Khi Thực Hành Yoga Hãy Có Mặt Với Chính Mình
Trong kinh thư Yoga Sultra, Thầy Patanjali có nhắc đến việc thực hành Yoga như một sự lắng dịu trong những dao động của tinh thần. Điều này nghĩa là Thầy đang nhắc đến khía cạnh tâm trí của con người. Sự tồn tại của tâm trí không nằm trong cơ thể vật chất cũng như cơ thể dạng vía, mà nó nằm trong cơ thể dạng hạt giống.
Và cũng theo lời thầy thì cũng chính tâm trí là thứ cần được kiểm soát để đạt được sự bình yên, hợp nhất (Trích từ Giáo trình Khóa Đào tạo Huấn luyện viên Yoga 200 Giờ – Balance Yoga Villa biên soạn).
Ngày nay, Yoga được biết đến nhiều với những tư thế ấn tượng, những bài tập thở mang tính thu hút cao hay những chuỗi bài rèn luyện về thể chất có sự liên kết chặt chẽ và hài hòa,…Tất cả những điều này góp một phần không nhỏ đến việc truyền tải và duy trì cảm hứng tập luyện đến với mọi người, nhưng để đạt được mục đích tối thượng của Yoga thì ngoài việc truyền cảm hứng tập luyện về thể chất thì trạng thái tinh thần trong lúc tập luyện hay tu tập mới chính là thứ khiến bạn tiến xa hơn trên còn đường rèn luyện.
Khi Thực Hành Yoga Hãy Có Mặt Với Chính Mình
Bạn tự hào về điều gì nhất khi thực hành Yoga?
Một câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng mất khá nhiều thời gian để mỗi người chúng ta có được câu trả lời.
Không nhất thiết là mỗi lần bước chân lên thảm thì mình phải làm được một điều gì đó cao siêu hay sự tiến bộ vượt bậc so với lần những lần thực hành Yoga trước đó. Điều quan trọng là mỗi khi bước chân lên thảm ta nhận diện được rõ bản thân mình, có mặt với từng hơi thở, từng chuyển động hay từng tư thế.
Trong quá trình luyện tập Yoga, đôi khi chúng ta thực hiện các bài tập thở như một thói quen được lặp đi lặp lại nhiều lần, với trình tự và kỹ thuật quen thuộc. Tuy nhiên, khi thực hành lại quên đặt cảm nhận của mình vào từng hơi thở đó, hơi thở vào ra sao, hơi thở ra như thế nào, ngắn hay dài, nông hay sâu, thông thoáng, nhẹ nhàng hay nặng nề, tắc nghẽn?!
Tâm trí như đang lơ lửng ở một tầng mây, một suy nghĩ hay một sự việc nào đó mà chúng ta chưa thể buông bỏ chúng ra bên ngoài tấm thảm. Và khi giật mình đưa tâm trí trở lại được với cơ thể, chúng ta nhận ra rằng mình chẳng thu được lợi ích hay bất kỳ giá trị nào từ bài tập.
Thực hành Yoga gắn liền với việc thực hành Pranayama
Pranayama là nhánh thứ 4 trong 8 nhánh của Yoga. Đây là những bài tập thở hay những bài rèn luyện sinh khí riêng biệt; tuy nhiên không hẳn vì vậy mà chúng ta phải đợi để thực hành tốt 3 nhánh đầu tiên rồi mới thực hành tới Pranayama.
Trong mỗi buổi tập vẫn có những bài luyện Pranayama được thực hành song song; ngoài việc tái nạp năng lượng, tăng cường sinh lực, những bài tập này còn giúp người thực hành Yoga tăng cao sự tập trung.
Các phương pháp luyện thở có thể kể đến như: Yogic Breath (Hơi thở Yoga – Thở toàn phần), Ujjayi (Hơi thở chiến thắng/đại dương), Bhramani (Thở ong), Anuloma Viloma – Nadi Shodhana (Thở luân phiên),…
Kỹ thuật của những bài tập này đòi hỏi tập trung cao độ để có thể thực hành một cách đúng đắn và nhận được những lợi ích vô cùng giá trị.
Nhận diện cơ thể – Không phải ai cũng thực hành tốt
Cũng như vậy, giá trị của mỗi tư thế Yoga không hoàn toàn nằm ở những tấm ảnh đẹp. Nếu để có một tấm ảnh đẹp mà sau đó phải trả giá bằng đau nhức hay mất cân bằng về cơ thể hoặc thậm chí là những chấn thương thì thực sự là không đáng.
Vẻ đẹp không chỉ được nhận thấy bằng tư thế mà nó còn toát ra từ thần thái và sự hiểu biết về cơ thể một cách sâu sắc. Điều đó phản ánh một quá trình chứ không chỉ trong một khoảnh khắc.
“Trong quá trình thực hành Yoga đó, nếu như ta có mặt để nhận biết cơ thể của chính mình, ta sẽ hiểu cơ thể qua từng tư thế, từng cách chuyển động, thấu hiểu được đâu là giới hạn, đâu là điểm mạnh để từ đó có những căn chỉnh tư thế một cách tinh tế và chi tiết. Những thay đổi này sẽ giúp cho cơ thể ngày càng khỏe mạnh, thần thái ngày càng tỏa sáng” – Huấn luyện viên Hoàng Ngọc của Balance Yoga Villa chia sẻ.
Khi hiểu rõ cơ thể, chúng ta có thể dễ dàng nhận biết và ghi nhớ biên độ hoạt động của các khớp, từ đó điều chỉnh cách thực hành sao cho phù hợp với biên độ để cảm nhận được sự vững chắc và vẫn linh hoạt.
Việc nhận diện cơ thể trong thực hành Yoga ta cũng có thể ứng dụng được những cách co cơ phù hợp cho cơ thể ở mỗi ngày. Ta có thể dùng phương pháp Static Stretching (Co cơ đối hoặc kéo giãn cơ thụ động) để kéo giãn nhóm cơ mục tiêu nhưng không làm chúng bị quá căng thẳng. Hoặc cũng có thể sử dụng phương pháp Dynamic Stretching để củng cố sức mạnh của cơ.
Nhận diện tâm trí – Điều cốt lõi khi thực hành Yoga
Không phải lúc nào bước chân lên thảm để bắt đầu một bài tập chúng ta cũng có thể đặt toàn bộ tâm trí của mình ở hơi thở và cơ thể, có thể chúng ta sẽ còn xao lãng đâu đó nơi bộn bề công việc, cuộc sống nhưng hãy tập cách để có mặt với chính mình. Đó chính là sự nhận biết cơ thể, nhận biết hơi thở, nhận biết tâm trí.
Có thể có những ngày chúng ta tập trung hoàn toàn và nhận biết được bản thân ngay lúc đó nhưng cũng có khi tâm trí ta đang như một con ngựa bất kham đang mải rong chơi. Hãy cứ ghi nhận lại đừng vội phán xét, cũng đừng vội gò bó hay ép buộc hơi thở, cơ thể hay tâm trí phải làm được đúng mục tiêu mình đặt ra ban đầu.
Hãy cứ hướng tới mục tiêu và ghi nhận sự thay đổi, ghi nhận trong suốt quá trình – Chính là cách mình hiện diện. Khi đã nhận thấy sự hiện diện của bản thân, tâm trí sẽ dần được kiểm soát để đạt được sự bình yên, hợp nhất.
Khi thực hành Yoga với nguyên tắc 4R (Trích từ Giáo trình Khóa Đào tạo Huấn luyện viên Yoga 200 Giờ của Balance Yoga Villa) thì ngay ở chữ R đầu tiên – Recognize The Habit, tạm dịch là Nhận biết thói quen, chúng ta đã được làm việc với tâm trí của chính mình. Việc nhắm mắt lại và cảm nhận có thể khiến tâm trí bị phóng dật ở đâu đó hoặc rất háo hức, tò mò, hoặc hơi lo lắng, nhưng ngay khi nhận biết được những điều đó chính là lúc ta nhận diện được tâm trí của mình.
Thực hành Yoga là cả một quá trình dài lâu và bền bỉ. Có thể mỗi ngày ta sẽ nhận biết và khám phá thêm được những khía cạnh mới mẻ của chính bản thân mình, có thể nó đã tồn tại ở đó rất lâu nhưng chưa từng được chú ý, lắng nghe hoặc là sử dụng.
Mỗi ngày một chút, không cần quá gấp gáp, vội vàng để sự nhận diện ấy được thật sự sâu sắc, để chúng ta có thể đi sâu hơn vào trong mỗi ngóc ngách của cơ thể, của tâm trí và của tâm hồn.
Balance Yoga Villa luôn hiện diện cùng Bạn trên hành trình thực hành Yoga
Hành trình thực hành Yoga cần phải được rèn luyện theo từng bước một, những bước đó không đến ngày một ngày hai, mà là cả một quá trình. Chính vì thế, Balance Yoga Villa luôn ở đây, hiện diện, đồng hành cùng Bạn trên một đoạn đường, với đa dạng các chương trình Yoga để rèn luyện thể chất, tinh thần và đời sống tâm linh.
Hãy trân trọng giây phút hiện tại và làm tốt công việc của mình, rồi mọi thứ sẽ đến.
Tác giả: Ngọc Hoàng – Huấn luyện viên – Balance Yoga Villa