5 Nguyên Tắc Khi Dùng Thảm Định Tuyến Yoga
Thảm định tuyến Yoga là một trong những loại thảm rất được ưa chuộng ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Để những tấm thảm này phát huy được hết giá trị và buổi tập đạt hiệu quả cao thì người tập cần lưu ý đến những nguyên tắc định tuyến quan trọng.
Định tuyến Yoga là gì?
Thuật ngữ “Căn chỉnh/ Liên kết / Định tuyến” (alignment) không chỉ được đề cập và nhấn mạnh nhiều lần trong các buổi tập Yoga mà còn được nhắc đến rất nhiều trong cả việc lựa chọn một chiếc thảm tập phù hợp cho việc tập luyện. Từ điển Merriam-Webster đã định nghĩa về động từ (align) “Căn chỉnh / Liên kết / Định tuyến” có nghĩa là: “Sắp đặt các tư thế trên một đường thẳng” hoặc “chỉnh sửa cân đối các tư thế”.
Định tuyến mô tả cách cơ thể được căn chỉnh, sắp xếp trong các tư thế Yoga (asana). Điều này không chỉ bao gồm việc tạo ra các đường thẳng và sắp xếp các khớp xương của cơ thể mà nó có thể có nhiều ý nghĩa hơn thế.
Đây không phải là một phương pháp cứng nhắc nhằm tạo ra những chuẩn mực về đường thẳng hay các góc để xây dựng nên một hình dáng tư thế hoàn hảo. Ngược lại, đó là việc điều chỉnh hình dáng tư thế theo cấu trúc cơ thể, tình trạng thể chất và khả năng thích ứng theo từng giai đoạn của người tập.
Thảm Yoga định tuyến và cách lựa chọn thảm định tuyến
Thảm Yoga định tuyến là loại thảm được thiết kế với các điểm và đường định tuyến in chìm trên bề mặt tấm thảm, với mục đích để người tập dựa theo các đường kẻ sẵn này định hình vị trí đặt tay, chân khi luyện tập. Đây là điểm tạo nên sự khác biệt của thảm định tuyến với những loại thảm thông thường và trở thành một trong những loại thảm tập Yoga được bán chạy và sử dụng nhiều nhất hiện nay tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới.
Thảm tập Yoga định tuyến cũng được thiết kế bắt mắt, đa dạng màu sắc, kích thước phù hợp và được làm bằng chất liệu tự nhiên với độ bền cao, đem đến sự êm ái, ma sát tốt, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sử dụng.
Người tập có thể lựa chọn thảm Yoga định tuyến dựa trên 4 nguyên tắc sau:
Chất liệu thảm Yoga
Thảm tập Yoga có nhiều chất liệu như PVC, PU, TPE,…
Đối với chất liệu TPE và PU sẽ đảm bảo sức khỏe cho người tập, độ bền lâu hơn nên đây là hai chất liệu được người tập sử dụng nhiều. Ngược lại, chất liệu PVC tuy giá thành thấp nhưng lại khó đảm bảo chất lượng, gây mùi khó chịu và sau thời gian dài sử dụng dễ bị xẹp và rách.
Độ đàn hồi và chống trơn trượt
Nhằm đảm bảo tính an toàn trong lúc tập luyện, thảm tập Yoga cần có độ đàn hồi cao và khả năng chống trượt tốt. Để kiểm tra độ đàn hồi của thảm, chúng ta có thể lấy hai ngón tay và bóp chặt phần rìa thảm, nếu thảm trở về trạng thái ban đầu một cách nhanh chóng thì tấm thảm sẽ có độ đàn hồi tốt, còn nếu thảm bị xẹp hoặc mất nhiều thời gian để quay về hình dạng lúc đầu thì độ đàn hồi của thảm đã bị giảm.
Chọn kích thước thảm tập
Các loại thảm tập thường có 2 dạng kích thước cơ bản là 173cm x 61cm và 183cm x 61cm. Để lựa chọn được kích thước phù hợp, người tập nên lựa chọn theo chiều cao của bản thân.
Đới với người tập dưới 170cm thì nên chọn tấm thảm có kích thước 173cm x 61cm, và đối với người cao trên 170cm thì nên chọn tấm thảm có kích thước 183cm x 61cm.
Lựa chọn độ dày thảm tập
Độ dày cũng là một yếu tố quan trọng cần cân nhắc trong việc chọn lựa một tấm thảm. Thảm tập thông thường sẽ có độ dày từ 4mm đến 10mm. Độ dày của thảm càng lớn sẽ càng êm. Những người mới bắt đầu tiếp cận với bộ môn Yoga thì nên lựa chọn thảm có độ dày lớn từ 6mm trở lên.
Ngoài ra, đối với thảm tập du lịch sẽ mỏng hơn rất nhiều, với độ dày 1.5mm – 2.5mm. Thảm này sẽ phù hợp hơn với những người đã tập Yoga nhiều năm. Chính vì tính mỏng, nhẹ nên chúng thường được sử dụng trong các chuyến đi xa.
Kiểm tra đường định tuyến
Một chiếc thảm chất lượng sẽ có những đường định tuyến được in rõ ràng, cân đối. Người tập không nên chọn những chiếc thảm có đường định tuyến dạng dán vì sẽ rất dễ bị bong tróc trong quá trình tập luyện.
5 Nguyên tắc khi dùng thảm định tuyến
Với những ưu điểm vượt trội so với các loại thảm thông thường trên thị trường nên thảm định tuyến thường là sự lựa chọn yêu thích của người tập Yoga. Tuy vậy, để quá trình tập luyện thực sự mang lại hiệu quả và hướng đến những giá trị cốt lõi của Yoga thì người tập cần lưu ý những nguyên tắc sau:
Chọn thảm phù hợp và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng
Dựa vào những yếu tố nhất định được gợi ý trong mục “Lựa chọn thảm định tuyến” phía trên, người tập sẽ dễ dàng chọn cho mình một chiếc thảm phù hợp về độ dày, kích thước, chất liệu.. và thậm chí là tính thẩm mỹ của thảm. Ngoài ra, việc đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thảm định tuyến cũng vô cùng quan trọng, có một số điểm người tập cần đặc biệt lưu ý để đảm bảo độ bền và chất lượng thảm trong quá trình sử dụng như sau:
- Sau khi mua thảm, chúng ta nên giặt qua và phơi khô để đảm bảo khi tập luyện sẽ không bị ảnh hưởng bởi mùi chất liệu.
- Khi phơi thảm, chỉ phơi khô ở vị trí thoáng gió chứ không được phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời.
- Sau khi sử dụng xong, chúng ta không nên cuộn thảm liền và nên vệ sinh thảm bằng dung dịch vệ sinh chuyên dụng. Người tập cần lưu ý, sau khi vệ sinh xong cần giữ thảm khô ráo từ 5-10 phút trước khi cuộn thảm.
- Không nên dùng các dung dịch có tính axit cao để vệ sinh thảm vì nó sẽ làm giảm độ bền của thảm.
- Tùy chất liệu thảm mà người tập nên cân nhắc việc giặt thảm sau một thời gian dài sử dụng với một chút xà phòng pha với nước loãng. Việc này giúp đảm bảo thảm sạch sẽ, không ảnh hưởng đến hệ hô hấp cũng như gây mụn nhọt cho cơ thể của người tập.
Không so sánh
So sánh khoảng cách tay chân của mình trong một tư thế bất kỳ với khoảng cách các vạch kẻ được định sẵn trên thảm định tuyến là điều khiến cho người tập bị phân tán sự tập trung vào bài tập và cũng là yếu tố khiến người tập nhanh nản chí.
Mặc dù đã lựa chọn thảm theo chiều cao của mỗi cá nhân người tập, nhưng không ít người không thể đặt để đúng vị trí của tay, chân mình theo những đường kẻ trên thảm ở ngay những buổi tập đầu tiên. Điều này tạo áp lực cho người tập luyện khi cho rằng nhất định phải để tay ở vạch kẻ trên và chân ở vạch kẻ dưới mới đúng và họ không thể làm được, dẫn đến cảm giác mình không phù hợp với bộ môn này, hoặc Yoga quá khó với họ.
So sánh mình với người khác, và so sánh những người khác với nhau trong cùng lớp tập luyện. Khi thấy mọi người trong lớp tập có người sẽ có thể di chuyển và sắp xếp tay chân theo những vạch kẻ đã được định sẵn, và nếu không làm theo được, người tập sẽ rất dễ phân tán sự tập trung và trở nên hoang mang, lo lắng, thiếu niềm tin vào bản thân.
So sánh, nôn nóng, vội vã, mạo hiểm và chạy theo những hình mẫu cố định mà quên mất chính sức lực của mình đang ở đâu, cảm nhận cơ thể mình đang trong tình trạng như thế nào.
Không phụ thuộc
Ngay khi tiếp cận với bộ môn Yoga, người tập xây dựng cho mình thói quen điều khiển cơ thể theo những đường kẻ hay những hình dáng được định sẵn có thể khiến cho người tập bị phụ thuộc vào chính thói quen này. Không có những vạch kẻ, người tập có thể nghi ngờ chính bản thân mình vì không chắc chắn vị trí và khoảng cách đặt để của các bộ phận trên cơ thể. Tâm trí xáo trộn không chỉ giảm chất lượng buổi tập mà còn khiến tinh thần bất an với những cảm giác nghi ngờ, không thoải mái.
Không áp đặt
Yoga định tuyến (Yoga Alighment) được hiểu là sự căn chỉnh một cách cân đối các tư thế trong Yoga. Đó quả thực là một thuật ngữ có vẻ như vô hại nhưng thực sự nguy hiểm khi người tập xếp thẳng hàng cánh tay và chân cùng thân mình và cổ, cho đến khi tư thế (asana) của chính họ trông thật ‘chính xác’ theo những vạch kẻ cố định.
Định tuyến không phải là căn chỉnh tạo nên sự hoàn hảo, mà là căn chỉnh hướng tới những gì phù hợp với từng cá nhân và cơ thể của người tập.
Không phải mọi cơ thể sẽ trông giống nhau trong mọi tư thế, nghĩa là định tuyến không giống nhau cho tất cả mọi người, mà chỉ giống nhau về những nguyên tắc định tuyến cốt lõi.
Áp đặt sẽ khiến mọi thử trở nên cứng nhắc và đôi khi trở thành không phù hợp. Định tuyến trong Yoga có thể vừa mang tính vận động vừa mang tính thẩm mỹ, đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải biết và hiểu sự khác biệt của từng cá thể thay vì áp đặt bản thân theo những hình dáng hay vạch kẻ cố định.
Lắng nghe nhiều hơn
Sử dụng những vạch kẻ trên thảm định tuyến có thể trở nên hữu ích đối với người mới vừa bắt đầu với bộ môn Yoga. Tuy vậy, các chuyên gia khuyên rằng chúng ta nên lắng nghe nhiều hơn những cảm giác trên cơ thể, để biết được những giới hạn của các vùng trên chính cơ thể mình; hiểu được ưu và khuyết điểm của cơ thể để có lộ trình và phương pháp luyện tập phù hợp và hiệu quả.
4 lý do nên tập định tuyến
Yoga được biết đến là bộ môn thu hút được số lượng người tham gia tập luyện rất đông đảo, theo các chuyên gia sức khỏe, luyện tập Yoga thường xuyên, đúng cách và có cho mình một chế độ ăn uống phù hợp sẽ mang đến cho người tập một cơ thể khỏe mạnh, một vóc dáng xinh đẹp và tinh thần thoải mái.
Nhờ vậy, Yoga trở thành bộ môn có phong trào phát triển ngày càng mạnh mẽ tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, và điều này cũng khiến cho người tập có xu hướng chạy theo các tư thế bất chấp mức độ an toàn đối với cơ thể.
Yoga định tuyến (Yoga Alignment) là một trong những phương pháp giúp cho người tập Yoga tìm đến những giá trị cốt lỗi của Yoga thay vì hướng ra bên ngoài và chạy theo hình dáng của các tư thế trong tập luyện.
Lý do giải phẫu
Thuật ngữ Yoga Alignment (Yoga định tuyến) được nhắc đến đầu tiên bởi Thầy B.K.S Iyenga vào đầu những năm thập nên 50. Khi đưa Yoga du nhập vào phương tây, thầy nhận ra rằng mỗi cơ thể và mỗi thâm trí là một cá thể riêng biệt, vì vậy cần có những cách thức và phương pháp thực hành phù hợp dành cho từng đối tượng.
Định tuyến sẽ giúp cho người tập đưa các bộ phận trên cơ thể vào biên độ sâu của một tư thế mà vẫn đảm bảo được trạng thái an toàn cho từng dạng cơ thể. (đạt được độ dẻo với biên độ mà cơ thể cho phép).
Lý do năng lượng
Khi tập Yoga cả ba phần cơ thể là Thể chất, Năng lượng và Tâm trí sẽ như ba viên gạch trụ cột không thể thiếu viên nào. Năng lượng chảy trong cấu trúc cơ thể vật chất, nếu có sự tắc nghẽn về cơ thể cũng dẫn đến sự tắc nghẽn về dòng chảy năng lượng. Khi chúng ta biết cách chuyển động an toàn không bị chấn thương và đưa cơ thể vào trạng thái lưu thông tạo điều kiện cho năng lượng được lưu thông qua các kinh mạch (nadis).
Lý do triết lý
Kết nối tốt với cơ thể và đưa cơ thể vào định tuyến sẽ giữ tâm trí ở hiện tại, tỉnh thức, buông bỏ mọi sự ràng buộc, phán xét hay mong cầu. Sự tỉnh thức cũng sẽ giúp người tập luôn nhận biết về cơ thể để tránh chấn thương.
Lý do thẩm mỹ
Thời gian dành cho việc tập luyện Yoga chỉ chiếm vài giờ mỗi tuần với chúng ta và chúng ta dành phần lớn thời gian còn lại cho việc đi đứng, sinh hoạt hàng ngày.
Thực hành Yoga theo phương pháp định tuyến giúp người tập quan tâm hơn về những thói quen chuyển động cả trong lúc tập yoga cũng như trong cuộc sống, nhận ra đâu là những thói quen xấu, vô thức và thay đổi từ từ thông qua việc rèn luyện cảm giác ý thức về cơ thể.
Điều này không chỉ giúp người tập thực hiện các tư thế đẹp mắt, ngay ngắn và có chiều sâu; Mà nhờ thay đổi những thói quen xấu sẽ giúp người tập duy trì được cơ thể săn chắc, vóc dáng cân đối.
Tóm lại, Yoga chưa bao giờ là sự phân biệt, so sánh cơ thể mình với người khác hay chạy theo một hình dáng cố định nào cả. Mỗi người sẽ có thể trạng cơ thể khác nhau và có những cách tập khác nhau. Có thể với người này tư thế này thật dễ nhưng người kia, vẫn tư thế đấy, lại mất nhiều thời gian hơn và biên độ thực hiện cũng sẽ thay đổi cùng với thời gian tập luyện.
Sử dụng các nguyên tắc định tuyến, các phương pháp căn chỉnh hay sử dụng dụng cụ hỗ trợ (dây tập yoga, khối, v.v.), có thể giúp người tập đạt được độ linh hoạt tối ưu cho các vùng cơ khớp trên cơ thể hoặc đạt được một số hình dáng tư thế đẹp như mong muôn. Nhưng mục tiêu chính của định tuyến là tối đa hóa lợi ích trong mỗi tư thế (asana); giúp người tập kết nối và hiểu được các phần trên cơ thể; đảm bảo an toàn cho người tập trong quá trình tập luyện.
Và nếu Bạn gặp bất kỳ khó khăn trên hành trình Yoga của chính mình thì đừng quên đừng rằng Balance Yoga Villa luôn hiện diện nơi đây để đồng hành cùng Bạn.