9 Trở Ngại Trên Con Đường Thực Hành Yoga
Làm việc trong môi trường về Yoga, Chúng tôi có cơ hội tiếp xúc và chia sẻ với nhiều học viên và cả những huấn luyện viên Yoga. Vào chính thời điểm này, Chúng tôi thấy được điều các thầy đã dạy trước đây đang dần diễn ra trước mắt. Thầy dạy rằng có 9 trở ngại trên con đường Yoga mà mỗi người cần vượt qua để duy trì sự thực hành, tu tập của mình.
Chúng ta đều rất dễ dàng để quyết tâm thực hiện một công việc nào đó nhưng duy trì được nó thì không hẳn ai cũng làm được. Có những người thực hành Yoga là niềm đam mê, có những người coi đó là sự nghiệp, có những người coi đó là sự rèn luyện, có những người đó là sự tu tập và cũng có những người đó là vì sức khỏe,… Và cho dù mục đích là gì đi chăng nữa thì trên con đường thực hành ấy cũng gặp không ít những trở ngại và không phải ai cũng thành công với việc thực hành này.
Xác định những trở ngại
Luôn luôn xuất hiện những trở ngại trên bất kỳ con đường nào, điều này khiến bạn cần cố gắng để vượt qua và khiến cho thành quả mình đạt được có ý nghĩa nhiều hơn.
Việc xác định hoặc lường trước những trở ngại giúp cho bạn có cảm giác chiến thắng được chính mình ngay từ đầu và loại bỏ những trở ngại ấy dễ dàng và chính xác hơn. Khi những trở ngại lần lượt xuất hiện, cũng là lúc bạn đã có sẵn những phương án cho mình và bạn chỉ cần thực hiện theo đúng những phương pháp ấy và duy trì việc thực hành trở thành một thói quen.
Có rất nhiều những trở ngại xuất phát từ chủ quan hoặc từ khách quan, nhưng “ khi muốn chúng ta sẽ tìm cách”.
Thầy Patanjali đã chỉ ra trong Kinh Yoga Sutra 9 Antarayas hay 9 trở ngại mà chúng ta sẽ gặp trong quá trình thực hành Yoga.
Vyadhi – Không có sức khỏe thể chất
“Khi có sức khoẻ ta có ngàn ước mơ, khi không có sức khoẻ ta chỉ có một ước mơ là khoẻ mạnh.”
Có những người tìm tới với Yoga với mong muốn cải thiện hay loại bỏ một chứng bệnh hay giải quyết vấn đề nào đó về sức khoẻ, lúc này động lực thôi thúc là họ đang thực hiện ước mơ của mình.
Khi bạn khỏe mạnh, bạn lại bận rộn với những ước mơ khác. Bởi vậy, để việc thực hành Yoga được duy trì và ngày càng tinh tấn, hãy giữ cho mình sự khỏe mạnh cả về thể chất và tâm trí, học lối sống lành mạnh, lạc quan, chuẩn bị tâm trí cho một cuộc sống có chất lượng cao hơn, bình an và không có sự mâu thuẫn nội tâm.
Thực hành 5 điểm Yoga là một phương án hữu hiệu để giữ gìn thân thể khoẻ mạnh: thực hành Pranayama; rèn luyện Asana đều đặn và phù hợp; thư giãn hợp lý; chế độ ăn uống lành mạnh, vừa đủ; tư duy tích cực và thiền định.
Styana – Tinh thần luôn dao động, thực hành không chánh niệm
Có những thói quen thường ngày làm cho tâm trí ù lì, trì trệ mà ta không có sự nhận thức rõ ràng làm ảnh hưởng đến quá trình thực hành. Ăn quá nhiều, cuộc sống không điều độ, buông thả hoặc thậm chí là sử dụng chất kích thích khiến ta khó lòng giữ được sự minh mẫn của tâm trí.
Lúc này, nếu duy trì được thói quen tập luyện cũng dễ rơi vào Samskara – lối mòn của tâm trí mà không có sự chánh niệm hay cảm nhận rõ ràng về những gì mình đang thực hành. Hãy có mặt với chính mình khi thực hành Yoga để lắng dịu lại những dao động của tinh thần.
Sashaya – Không có niềm tin
Mục đích của mỗi người khi tới với Yoga là khác nhau cho nên có thể ta sẽ nhanh chóng đạt được kết quả mà mình mong muốn ngay hoặc chưa. Khi chưa nhận được lời giải đáp cho mình ta có thể có sự hoài nghi về tính hiệu quả, về lợi ích về về điều mà Yoga thực sự mang lại cho ta.
Hoài nghi khiến ta dễ dàng nản lòng, mất niềm tin và mất đi sự kiên trì. Xây dựng niềm tin dựa trên sự tìm hiểu, nghiên cứu và đón nhận sự chia sẻ trải nghiệm của những người đi trước là những cách hữu hiệu để củng cố sức mạnh của sự quyết tâm và việc thực hành ngày càng tinh tấn.
Để tránh sự hoài nghi bám đuổi ta trên con đường thực hành ấy, có 3 điều để bạn xây dựng một niềm tin vững chắc:
- Tin vào chính mình
- Tin vào những lời dạy và những người thầy
- Tin và luôn nhớ lý do khi mình bắt đầu.
Pramada – Thực hành với tâm mong cầu và quá kỳ vọng
Yoga là một quá trình thực hành và chiêm nghiệm, mỗi người, ở mỗi giai đoạn hoặc tuỳ theo cách thực hành khác nhau mà bài học cần phải học khác nhau. Bạn không thể đồng thời vừa muốn cái này mà lại vừa muốn cái khác được, đó là sự đòi hỏi của tâm trí.
Để vượt qua trở ngại này, thầy Patanjali nói rằng “chỉ cần làm một điều, một thứ gì đó liên tục với sự chuyên chú”. Khi liên tục làm một việc tâm trí bắt đầu cảm thấy nhàm chán, nôn nóng và sốt ruột không yên nhưng khi sự bồn chồn, nôn nóng đó lên tới đỉnh điểm bạn bắt đầu thấy tâm trí mình sáng suốt hơn. Khi bạn càng có nhiều lựa chọn thì tâm trí càng bị rối, đó là do tâm trí bị vướng mắc vào tính nhị nguyên. Cũng như vậy, khi bạn có quá nhiều mong cầu hay kỳ vọng tâm trí bạn sẽ không yên, nó luôn tự hỏi nên làm điều này hay điều kia, nó bay nhảy khắp nơi và như thế lại càng bị phân chia. Tâm chí phân chia mang lại phiền não.
Có một nguyên tắc mà chúng tôi luôn nhắc với học viên của mình khi hướng dẫn một điều gì đó mới trong lớp học Yoga, đó là hãy học tập với một tâm trí mở rộng: Không phán xét, không dự đoán, không so sánh và không mong cầu.
Bạn sẽ tự động học được bài học mà mình còn thiếu trên hành trình này.
Alasya – Lười biếng về thể chất
Con người sẽ khoẻ mạnh khi cơ thể được vận động và tâm trí bình lặng, tuy nhiên chúng ta lại thường xuyên làm ngược lại, để cho cơ thể quá tĩnh còn tâm trí quá động. Xã hội hiện đại, mọi thứ phát triển khiến cho nhiều công việc được giải quyết bằng máy móc, con người không cần vận động quá nhiều.
Chúng ta luôn biết những gì nên làm và không nên làm, chúng ta biết làm gì là tốt cho mình nhưng lười biếng ngăn ta làm những điều đó.
Yoga vừa là khoa học vừa là nghệ thuật, hãy tận hưởng hành trình của mình và tiếp cận với Yoga ở mọi khía cạnh. Có tới 4 con đường để thực hành Yoga, tiếp cận 4 con đường bằng các kỹ năng, sự quan tâm, tôn trọng và tận tụy là cách để tận hưởng và vượt qua trở ngại của sự lười biếng.
Avirati – Không cam kết
Có rất nhiều thứ cần bạn ưu tiên trong cuộc sống của mình, tất cả đều là sự lựa chọn. Với Yoga cũng vậy, giống như quyết tâm thì rất dễ nhưng kiên trì thì mới khó. Nếu không có sự cam kết với việc thực hành thì sẽ rất dễ có những ưu tiên khác được bạn đặt ra và lấn lướt sự thực hành của bạn.
Quyết tâm thôi chưa đủ, cần có cho mình một sự cam kết, nhắc lại điều đó hàng ngày và liên tục kiểm tra lại. Thực hành Yoga còn là sự kiểm soát và tiết chế chính bản thân mình, vượt qua được trở ngại này mỗi người thực hành sẽ đều vững vàng hơn rất nhiều trên bất cứ hành trình nào.
Bhrantidarshana – Ảo tưởng
Tâm trí vô cùng khó nắm bắt và luôn tạo ra những câu chuyện của riêng nó, đôi khi con người ta có thể bị mắc kẹt vào những kinh nghiệm của mình trong quá khứ khi nhìn nhận một vấn đề nào đó. Và đối với việc thực hành cũng như vậy.
Để tâm trí dẫn dắt bạn dễ dàng rơi vào vòng xoáy trò chơi của tâm trí, vướng vào ảo tưởng hay sự u mê không nhìn rõ chân tướng của sự thực hành.
Hãy nhìn nhận và chiêm nghiệm trong suốt quá trình thực hành của mình và tốt hơn hết hãy thực hành cùng với sự hướng dẫn của một người thầy để tránh rơi vào sự ảo tưởng hoặc u mê trong hành trình của mình.
Alabdhabhumikatva – Không biết bước tiếp theo
Trong quá trình thực hành Yoga, có đôi khi người thực hành không biết mình phải làm những gì ở bước tiếp theo hoặc bị chững lại ở 1 giai đoạn trong thời gian dài khiến cho việc thực hành bị tắc lại, đó có thể là do thực hành sai cách hoặc không có lịch trình rõ ràng. Cảm giác bị mắc kẹt đó sẽ khiến tinh thần trì trệ và dễ dẫn đến việc ngừng thực hành.
Lên kế hoạch cho việc thực hành sẽ vạch ra được lần lượt từng bước thực hiện, quá trình sẽ trở nên dễ dàng và có động lực để tháo gỡ những vướng mắc. Sự tập trung cao độ khi gặp phải trở ngại này cũng góp phần không nhỏ cho việc vượt qua nó.
Yoga không phải là việc thực hành các tư thế khó nhưng chính những tư thế khó thường hay tạo ra cảm hứng cho việc tập luyện. Tuy nhiên, khi không đạt được tới giai đoạn cuối cùng của các tư thế cảm giác cũng giống như bạn luôn phải bắt đầu lại từ đầu mỗi khi bước chân lên thảm. Thầy Patanjali gọi đây là Anavasthitatva – điều khiến cho một yogi có thể nản lòng, đánh mất sự tư tin, tâm trí bất yên và muốn dừng lại việc thực hành. Điều này cũng có thể do một phương pháp thực hành chưa phù hợp.
Đi sâu hơn vào sự thực hành để nhận diện rõ giá trị cũng như mục đích của việc thực hành Yoga, Asana chỉ là 1 trong 8 nhánh của Yoga mà Thầy đã chỉ ra cho lộ trình thực hành của mỗi người. Bên cạnh đó, tham gia vào một cộng đồng với tâm thái cầu thị, tự tin và thái độ tử tế sẽ khiến bạn duy trì được sự thực hành một cách sâu sắc và tiến bộ.
Những trở ngại này sẽ xảy đến khi có sự phân tâm và thầy Patanjali cũng đã đưa ra những phương án để vượt qua những trở ngại này có bất kỳ ai đang trên con đường thực hành Yoga. Ngay khi quan sát và nhận diện thấy những cảm giác như vậy bạn hãy cảnh giác bản thân và chuẩn bị cho những bài tập để vượt qua những trạng thái này. Một tâm trí tập trung và kiên định luôn luôn cần thiết cho bất kỳ một hành trình nào, nếu bạn duy trì được sự tập trung ấy những chướng ngại có thể không xuất hiện hoặc sẽ dễ dàng bị loại bỏ.
Chúc cho hành trình của bạn là một hành trình thú vị, đầy màu sắc và đáng nhớ!