Ashtanga Yoga – Yoga Tám Nhánh

Trong tiếng phạn, Ashta nghĩa là số 8, Anga là chi hoặc là nhánh. Ashtanga Yoga (Yoga Tám Nhánh) là một trong những cách tu tập trong Yoga cổ điển được nhà hiền triết Patanjali nhắc đến trong kinh Yoga (Yoga Sutra).

Yoga sutra được viết ra với mục đích định nghĩa Yoga và Yoga tám nhánh là một cách để thầy Patanjali miêu tả rõ nét và phác họa kỹ càng con đường và từng bước cho người học viên có thể tiến đến trạng thái tối cao của trí tuệ và tâm trí.

Balance Yoga Villa - Ashtanga Yoga - Yoga Tám Nhánh
Ashtanga Yoga Tám Nhánh

Ashtanga Yoga

Ashtanga Yoga là một con đường, một con đường nơi mà bạn có thể hình dung và đi theo từng bước một, những bước đó không đến ngày một ngày hai, mà là cả một quá trình, có người dành trọn cả đời, có một số người chỉ trong phút giây. Hãy trân trọng giây phút hiện tại và là tốt công việc của mình, rồi mọi thứ sẽ đến.

Và cho tới hiện tại, rất nhiều người đã và đang áp dụng phương pháp tu luyện tâm trí này vào những buổi tập và cả trong đời sống. Tám nhánh được nhắc đến bao gồm:

1. Yama (Tiết chế – Điều răn)

Yama có nghĩa tiết chế, cưỡng lại, kiêng cữ,… Được xem như là 5 điều răn trong Yoga:

  • Ahimsa (अहिंसा)- Không bạo lực hoặc làm hại đến những sinh vật sống.
  • Satya (सत्य)- Thành thật – Không dối trá
  • Asteya (अस्तेय)- Không đánh cắp
  • Brahmacharya (ब्रह्मचर्य)- Tiết dục, tiết chế năng lượng tình dục
  • Aparigraha (अपरिग्रह)- Không vụ lợi

2. Niyama (Giới luật)

Niyama được hiểu như là một giới luật hay là một nghĩa vụ mà một người yogi cần phải noi theo, bao gồm 5 giới luật:

  • Shaucha (शौच): Thanh khiết, sự trong sạch trong tâm trí, lời nói và cơ thể
  • Santosha (संतोष): Hài lòng và chấp nhận mọi người, lạc quan đối với bản thân
  • Tapas (तपस्): Kiên trì, nhẫn nại, khắc khổ, tập luyện, kỷ luật bản thân
  • Svadhyaya (स्वाध्याय): Luôn tìm tòi và học hỏi để trau dồi bản thân, luôn tự nhận định và quan sát suy nghĩ, lời nói và hành động
  • Ishvarapranidhana (ईश्वरप्रणिधान): Tôn thờ đấng tối cao (Một đấng tối cao của riêng mình).

5 yamas và 5 niyamas được coi như là một điều kiện cần và đủ để một người có thể tiến đến con đường tâm linh. Tất cả những điều trên có thể tập ở bất cứ đâu, trên thảm hoặc ở ngoài cuộc sống. Vì thầy Patanjali tin rằng những gì được xây dựng từ bên trong tâm trí sẽ ảnh hưởng đến con người và chất lượng sống của họ, việc cần thiết để chuẩn bị cho một tâm hồn trong sạch trước khi tiến tới các bước tiếp theo rất quan trọng.

3. Asana (Tư thế)

Balance Yoga Villa - Ashtanga Yoga - Yoga Tám Nhánh
Đây là một bài tập giữ một tư thế bất động và yên tĩnh trong một khoảng thời gian lâu dài với tâm trí ổn định và không dao động

Tư thế – Trong Yoga cổ điển, chúng ta chỉ học những tư thế ngồi và cách căn chỉnh những tư thế hằng ngày để đảm bảo cơ thể được thoải mái và mạnh khỏe trong quá trình tu tập. Tất cả những gì cần canh chỉnh nằm ở phần hông, ngực, vai và đầu ở tư thế đúng để giữ cho cột sống ổn định trong quá trình luyện tâm.

Đây là một bài tập giữ một tư thế bất động và yên tĩnh trong một khoảng thời gian lâu dài với tâm trí ổn định và không dao động, việc đó sẽ giúp ta chống lại những yếu tố bên ngoài tác động vào cơ thể vật lí.

Các tư thế được tập luyện lúc bấy giờ không phải là những tư thế Yoga chúng ta tập hiện tại như rất nhiều ghi chép ta đọc được trên mạng.

Hàng ngàn năm sau, khi Hatha Yoga được hình thành thì các tư thế Yoga mới bắt đầu hình thành và được xem phương pháp tập luyện chính trong nhánh này với mục đích tập luyện cho một cơ thể khỏe mạnh.

4. Pranayama (Kiểm soát năng lượng)

Prana là năng lượng sống của cơ thể, không có prana tức là không có dòng chảy năng lượng thì cơ thể sẽ chết. Yama như trên có nghĩa là tiết chế nhưng ở đây chúng ta sẽ dịch là kiểm soát hoặc điều tiết. Vậy Pranayama có nghĩa là điều khiển năng lượng sống bên trong cơ thể.

Bài tập này được thực hiện bằng nhiều phương pháp thở với nhiều mục đích khác nhau và kết hợp với việc luyện tập các tư thế Yoga (Yogasana) thì cơ thể và tâm trí sẽ được giải phóng khỏi những ách tắc mà cơ thể sẽ hình thành trong quá trình sinh hoạt hằng ngày.

Các phương pháp luyện thở có thể kể đến như: Yogic Breath (hơi thở Yoga – thở toàn phần), Ujjayi (hơi thở chiến thắng/đại dương), Bhramani (thở ong), Anuloma Viloma – Nadi Shodhana (thở luân phiên),…

5. Pratyahara (Thu giác quan vào bên trong)

Balance Yoga Villa - Ashtanga Yoga - Yoga Tám Nhánh
Pratyahara sẽ luyện cho bạn cách quay vào bên trong bản thân

Đây là nhánh sẽ luyện cho bạn cách quay vào bên trong, cách thâu tóm ý thức của bản thân vào một nhận thức rõ rệt. Đây là một quá trình mà người thực hành phải kéo ý thức ra khỏi những sự vật hiện tượng bên ngoài và không để chúng tác động vào tâm trí hay cơ thể.

Pratyahara không bắt buộc người nhìn phải nhắm mắt với thế giới bên ngoài, nhưng sẽ giúp cho tâm trí của người tập đóng lại với thế giới bên ngoài một cách có ý thức.

Pratyahara sẽ không cho phép thế giới bên ngoài điều khiển cơ thể và tâm trí bên bên trong, thâu kéo tâm trí để phát triển tri thức cá nhân và tìm thấy được sự tự do trên hết.

6. Dharana (Sự tập trung tối cao)

Balance Yoga Villa - Ashtanga Yoga - Yoga Tám Nhánh
Dharana sẽ giúp cho bạn tập trung hoàn toàn vào một thứ đang hiện diện bên trong với một tâm thái nhẹ nhàng

Sự tập trung là điều mà đa phần chúng ta sẽ thiếu trong quá trình tu tập. Với một tâm trí dễ bị chi phối bởi nhiều nhiều thứ xung quanh, tâm hồn mình luôn bay nhảy từ vật này sang vật khác nhưng không ở yên một chỗ, điều đó làm cho tâm lúc nào cũng lay động.

Dharana sẽ giúp cho bạn tập trung hoàn toàn vào một thứ đang hiện diện bên trong với một tâm thái nhẹ nhàng mà không căng thẳng.

7. Dhyana (Thiền định)

Đây là bước thiền định, một bước mà người học viên phải trải qua rất nhiều giai đoạn mới tiến đến được. Thiền định không chỉ có ngồi yên và thở, mà đó là một trạng thái.

8. Samadhi (Định)

Balance Yoga Villa - Ashtanga yoga - Thiền

Samadhi trong tiếng phạn có nghĩa là hợp nhất, kết hợp, hợp thành,… Đây là trạng thái mà tất cả các yogi, cho dù là trường phái nào cũng đều hướng đến. Bạn có thể gọi nó là giác ngộ, có thể nói đó là vượt lên trên tất cả, vượt qua khỏi thể xác là tâm trí này, hay cũng có thể gọi nó là nhìn rõ được mọi thứ.

Đến với Balance Yoga Villa, chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu hơn về Ashtanga Yoga

Với Balance Yoga Villa, chúng tôi sẽ giúp bạn giải đáp mọi thắc mắc về Ashtanga Yoga. Đừng ngần ngại mà hãy liên hệ với chúng tôi, huấn luyện viên tại Balance Yoga Villa sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ người tập luyện trong quá trình thực hành của riêng mình để có thể khám phá thế giới bên trong một cách trọn vẹn nhất.

Tác giả: Vũ Nguyễn – Huấn luyện viên Ashtanga Yoga – Balance Yoga Villa

Hotline: 0968 009 723