Karma Yoga – Hành Động Chỉ Vì Hành Động

Karma Yoga là một trong bốn trường phái Yoga cổ điển cùng với Jnana (kiến thức hoặc tự phản chiếu), Bhakti (sùng đạo) và Raja (tâm trí), mỗi con đường sẽ đưa ra những hướng đi để dẫn đến Moksha (giải phóng tâm linh) và sự nhận thức tối cao.

Bắt nguồn từ thuật ngữ tiếng Phạn, Karma có nghĩa là “hành động” và “nghiệp” được hiểu là tổng hợp những “hành động” (Karma) của một người trong các trạng thái tồn tại trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong Yoga, Karma được biết đến như là con đường hành động, hay sự phục vụ quên mình đối với người khác.

Karma Yoga được coi là một trong những phương tiện phát triển tâm linh thiết thực và hiệu quả nhất.

Karma Yoga là gì?

Karma Yoga được nêu trong Bhagavad Gita (Chí tôn ca), một cuốn kinh Hindu dài 700 câu ước tính có niên đại từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Bhagavad Gita đưa ra một số cách tiếp cận để giải thoát khỏi đau khổ, tự nhận thức và kết nối với Thần thánh, trong đó Karma Yoga được cho là một con đường thực tế nhất.

Văn bản nêu bật tầm quan trọng của hành động vị tha, trong đó, việc phục vụ được thực hiện từ trái tim, với sự quan tâm và nhận thức đầy đủ.

Sự gắn bó với kết quả hành động của một người được cho là mang lại đau khổ, đặc biệt khi mong đợi nhận được điều gì đó. Để thực sự thực hành Karma yoga, người tập phải hành động không mong đợi và phục vụ người khác mà không nghĩ đến kết quả.

Như vậy, Karma Yoga làm giảm đi cái tôi và giúp làm tan biến mọi cảm giác tách biệt giữa bản thân và người khác. Hành động theo cách này được cho là sẽ thanh lọc tâm trí và được coi là cách tiếp cận mang tính đạo đức cao nhất để phục vụ cộng đồng.

Balance Yoga Villa - Karma Yoga
Workshop Mạnh mẽ để bứt phá – Thấu hiểu để yêu thương là một trong những cách mà Balance Yoga Villa chọn để thực hành Karma Yoga

Mặc dù, từ thiện và dành thời gian, nỗ lực của mình để cống hiến là một ví dụ phổ biến của Karma yoga, nhưng khái niệm này dạy rằng mọi hành động, ngay cả những hành động trần tục nhất, đều có thể trở thành một phần của con đường tâm linh của một người. Thái độ đối với hành động mới chính là thứ được xem trọng, chứ không phải là chính hành động đó.

Như vậy, bản chất của việc thực hành là hành động với động cơ đúng đắn, theo cách đúng đắn, bằng khả năng tốt nhất của mình trong khi từ bỏ sự bám víu vào kết quả. Một ví dụ nho nhỏ, chúng ta sẽ làm việc thiện chỉ để làm việc đó, với tâm thái muốn tạo một giá trị cho cộng đồng, chứ không phải để tạo phước để cầu nguyện cho bản thân, hay đánh bóng tên tuổi của mình.

Đối với các hành giả Karma, hành động vị tha là một hình thức cầu nguyện và kết nối với Thần thánh. Một số giáo lý thậm chí còn gợi ý tụng thần chú trong khi tham gia vào Karma Yoga, để thanh lọc tâm trí và phát triển tư duy vị tha.

Thực hành Karma Yoga cũng liên quan đến việc chấp nhận hoàn toàn bổn phận trong cuộc sống, ý nghĩa và vị trí của một người để buông bỏ những ham muốn ích kỷ và những mong cầu cao vời không cần thiết.

4 nguyên tắc chính của Karma Yoga

Nghĩa vụ

Mỗi người đều có nhiệm vụ trong cuộc sống. Một số là do xã hội hoặc gia đình, trong khi một số khác là do chúng ta lựa chọn, chẳng hạn như trở thành một ông chủ tốt hoặc một người bạn luôn hỗ trợ. Trong Karma Yoga, nghĩa vụ được gọi là Dharma và việc nhận biết nó là cả một quá trình trải nghiệm.

Mặc dù hiểu rõ vai trò của chúng ta trong cuộc sống là điều cơ bản nhưng nghĩa vụ cao nhất mà bạn có là đối với chính mình. Chỉ bằng cách đảm bảo sức khỏe của mình, bạn mới có thể hỗ trợ người khác một cách hiệu quả. Hơn nữa, bất kỳ nhiệm vụ nào bạn thực hiện đều phải được thực hiện với sự siêng năng. Cho dù dọn dẹp phòng hay hoàn thành nhiệm vụ tại nơi làm việc, nó đều phản ánh những nỗ lực tốt nhất của bạn.

Cái tôi

Cái tôi là hình ảnh bản thân và những suy nghĩ của bạn về bản thân và người khác, được hình thành bởi những đặc điểm như sở thích, điều không thích và mong muốn của bạn. Thông thường, chúng ta hành động dựa trên việc chúng sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của chúng ta như thế nào. Mặc dù một số người tin rằng cái tôi giúp họ hoạt động tốt hơn nhưng nó cũng có thể có hại. Cái tôi có thể bóp méo quan điểm của chúng ta về thực tế và che mờ sự hiểu biết của chúng ta.

Ngược lại, hành động vị tha là thực hiện nhiệm vụ mà không nghĩ đến bản thân. Mục tiêu cốt lõi của phương pháp thực hành này là quản lý và cuối cùng là giải phóng bản thân khỏi cái tôi.

Dính mắc

Karma Yoga là thực hiện nhiệm vụ của bạn một cách khách quan, không dính mắc vào công việc hay kết quả. Cho dù bạn có thích công việc đó hay không, bạn cũng phải cống hiến hết mình. Ví dụ, với tư cách là một giáo viên, bạn sẽ không thiên vị học sinh này hơn học sinh khác. Trọng tâm là thực hiện nhiệm vụ mà không quan tâm đến kết quả hay quá trình.

Kỳ vọng vào kết quả và phần thưởng

Chúng ta thường hành động với mong đợi nhận được sự đền đáp. Điều này có thể là làm việc để được trả lương hoặc được công nhận, hoặc thậm chí là chăm sóc những người thân yêu với hy vọng nhận được tình yêu và lòng biết ơn của họ. Nhưng khi bạn hành động mà không mong đợi phần thưởng, kết quả sẽ không phải là mục đích tác động đến hành động của bạn. Bạn làm điều đó vì đó là điều đúng đắn, không phải vì lợi ích cá nhân. Đây là Karma Yoga.

Nhìn chung, mục đích chính của Karma Yoga là kiểm soát và buông bỏ cái tôi của bạn, từ đó thanh lọc tâm trí và giúp chúng ta nhận ra bản chất thực sự của mình. Để làm được điều này, chúng ta cần thực hiện nhiệm vụ của mình mà không dính mắc hay ham muốn cá nhân.

Những quan niệm sai lệch về Karma Yoga

Mặc dù chúng ta tình nguyện dành thời gian của mình để giúp đỡ người khác là một ví dụ phổ biến về hành động vị tha, nhưng bản chất thực sự của việc thực hành này vượt xa những hành động tử tế đơn giản. Để làm sáng tỏ mọi quan niệm sai lầm, những hành động dưới đây không phải là Karma Yoga:

Giao dịch

Hành động tự nguyện không phải là một sự trao đổi, trong đó bạn cung cấp một dịch vụ để đổi lấy một dịch vụ khác, chẳng hạn như một khóa đào tạo để tạo thu nhập hoặc chỗ ở để kinh doanh. Bản chất của Karma Yoga là thực hiện các hành động mà không mong đợi bất kỳ phần thưởng hay sự đền đáp nào, một khóa đào tạo vì lợi ích kiến thức cho học viên, một chỗ ở để cho những người khó khăn cư trú.

Công việc miễn phí

Chỉ làm việc mà không có thù lao công tự động được coi là hành động vị tha. Karma Yoga thực sự nói về sự tách rời bên trong khỏi kết quả của hành động, chứ không chỉ ra đó phải là sự vắng mặt của một giao dịch tài chính. Ý này nghe có vẻ mâu thuẫn với ý trên, nhưng hãy nghĩ đơn giản rằng, ta làm một công việc được trả lương, nhưng mục đích không phải vì đồng tiền, mà là ta sẽ cống hiến được gì trong công việc đó.

Lao động giá rẻ

Chỉ vì ai đó sẵn sàng làm việc với mức lương thấp hơn dưới danh nghĩa Karma Yoga, không có nghĩa là nó phù hợp với các nguyên tắc của nó. Hành động vị tha thực sự không bao giờ là đánh giá thấp bản thân hoặc người khác mà là thực hiện nghĩa vụ của mình với mục đích trong sáng.

Dịch vụ xã hội

Mặc dù hoạt động phục vụ xã hội phù hợp với các nguyên tắc của Karma Yoga, nhưng không phải tất cả các hành động phục vụ xã hội đều được coi là Karma. Yếu tố khác biệt là động lực bên trong và không mong cầu vụ lợi. Ví dụ: nếu ai đó giúp đỡ một cộng đồng với hy vọng được công nhận hoặc thỏa mãn cá nhân thì đó không phải là tinh thần thực sự của thực hành này.

Vì vậy, mặc dù đúng là Yoga của sự hành động bắt nguồn từ những hành động bạn thực hiện, nhưng nếu ý định của bạn không phải là thực hiện một nghĩa vụ mà chỉ dính mắc vào bản ngã hay sự gắn bó thì đó không phải là Karma Yoga.

Lợi ích của Karma Yoga

Karma Yoga có rất nhiều lợi ích. Một số điều này có thể được nhìn thấy ngay lập tức, trong khi những điều khác sẽ chỉ được nhận ra sau khi thực hành đều đặn và nhất quán. Dưới đây là ba lợi ích đáng kể của hành động vị tha:

Giảm cái tôi

Karma Yoga giúp bạn hành động mà không để cái tôi cản trở. Bạn làm những gì cần phải làm hơn là những gì bạn cảm thấy muốn làm. Theo thời gian, điều này làm giảm cái tôi của bạn và giúp bạn suy nghĩ và hành động với mục đích rõ ràng.

Sự ưu tiên trở nên rõ ràng hơn

Bằng cách thực hành Karma Yoga, bạn sẽ hiểu rõ điều gì là quan trọng. Bạn hiểu trách nhiệm của mình và thực hiện chúng mà không quá gắn bó hay coi thường bản thân.

Cân bằng hành động

Vì bạn đang thực hiện nhiệm vụ mà không để cái tôi hay ham muốn cá nhân can thiệp, bạn có thể sửa chữa những sai lầm trong quá khứ mà không tạo ra những sai lầm mới.

Việc kết hợp Karma Yoga vào cuộc sống hàng ngày là hành động với sự kiên định cho lòng vị tha và tách mình ra khỏi kết quả. Bằng cách suy ngẫm về vai trò của mình, hiểu tầm quan trọng của chúng và tiếp cận chúng với mục đích trong sáng, chúng ta có thể xây dựng các mối quan hệ bền chặt hơn và nuôi dưỡng một cuộc sống hạnh phúc hơn, ý nghĩa hơn.

Hotline: 0968 009 723