Tập Luyện Yoga An Toàn
Tập luyện Yoga không còn là một hình thức lạ lẫm trên thế giới. Việc tập luyện các Asanas (các tư thế) là phương thức phổ biến nhất đối với đại đa số người luyện tập Yoga. Vậy nhiều người đặt ra câu hỏi rằng liệu Yoga có phù hợp với mình hay không? Tập luyện như thế nào để đạt hiệu quả tối đa và an toàn nhất.
Sau đây Balance Yoga Villa xin nêu ra những lưu ý chính cho việc luyện tập Yoga an toàn.
Lựa chọn phong cách tập luyện Yoga phù hợp
Có rất nhiều loại hình cũng như trường phái Yoga, kể đến như Hatha Yoga là trường phái phù hợp đối với hầu hết mọi người vì tính chậm rãi và từ tốn của trường phái này mang lại. Hay đối với Iyengar, đây là một trường phái thiên về sự trật tự và ngăn nắp khi tiến sâu vào các tư thế, vì thế trường phái này rất phù hợp đối với những ai đang có bệnh lý hoặc muốn tập luyện một cách chỉn chu.
Ngược lại, Ashtanga Vinyasa hoặc Vinyasa là trường phái yêu cầu người tập luyện phải chú tâm hoàn toàn vào những chuyển động và tư thế có hơi phức tạp, đòi hỏi đã có nền tảng về Yoga. Vì vậy khi tham gia những lớp này, các học viên hãy chuẩn bị kỹ càng cho cơ thể và tâm trí.
Cấp độ phù hợp là một yếu tố quan trọng
Các lớp tập luyện Yoga thường sẽ được chia ra thành nhiều cấp độ khác nhau, trong đó có từ cơ bản – trung cấp – nâng cao hoặc các lớp phổ biến nhất là đa cấp độ (multiple level) tức là tất cả mọi người đều có thể tham gia.
Việc lựa chọn một cấp độ phù hợp cho bản thân không những giúp bạn có một nền tảng vững chắc mà còn giúp cho cơ thể có thời gian thích nghi với các bài tập và sẽ giảm tỷ lệ chấn thương đáng kể.
Sau một thời gian luyện tập, nếu bạn cảm thấy các bài tập không còn có tác động nhiều đến cơ thể, cũng như tâm trí thì đây là thời điểm bạn nên tìm kiếm một lớp tập luyện Yoga với cấp độ cao hơn. Tuy nhiên, hãy nhớ tập theo nhịp độ và hướng dẫn cụ thể của giáo viên, tập trung vào cảm nhận cơ thể và các kỹ thuật thực hiện.
Hãy chú ý tới kỹ thuật tập luyện Yoga dù là nhỏ nhất
Phần lớn, mọi người đến tập luyện Yoga đều có một quan niệm sai lầm đó là phải thả lỏng tâm trí. Việc này không sai nhưng chỉ ở những phần thở, thiền và thư giãn.
Trong lúc luyện tập các tư thế, chúng ta nên giữ tâm trí thoải mái nhưng vẫn đặt sự chú ý tối đa đến cách di chuyển và hành động của cơ thể trong lúc tập luyện, bởi vì chấn thương có thể xảy đến khi ta thiếu đi sự tập trung, cho dù là một kỹ thuật nhỏ nhất.
Để có được những kỹ thuật vững chắc trong tập luyện Yoga, bạn cần có sự quan sát đủ sâu và rộng, kết hợp cùng một số kiến thức cơ bản trong vận động. Kiến thức đó bạn có thể học hỏi từ những người thầy hướng dẫn hoặc có thể tìm hiểu sâu hơn thông qua những chương trình, hội thảo, workshop về Yoga.
Quan sát và lắng nghe
“Quan sát” và “lắng nghe” là hai yếu tố mà hầu hết học viên không quá chú tâm vào khi luyện tập Yoga mà thay vào đó chỉ quan tâm đến các yếu tố bên ngoài. Những việc làm trên chỉ khiến cho chúng ta lo ra và không chú tâm vào việc luyện tập như cách mà những Yogi hay nói với nhau là “quay vào bên trong”.
Vậy chúng ta nên quan sát và lắng nghe những gì trong khi tập luyện?
Lắng nghe và quan sát huấn luyện viên để tập luyện Yoga an toàn
Huấn luyện viên là người đồng hành, trực tiếp hướng dẫn chúng ta xuyên suốt buổi tập. Họ sẽ là người quan sát và theo dõi học viên để tinh chỉnh các tư thế để vừa đảm bảo an toàn, vừa đạt hiệu quả tối đa cho buổi tập. Việc lắng nghe và đôi lúc quan sát kỹ lưỡng khi huấn luyện viên làm mẫu là thật sự cần thiết trong quá trình luyện tập.
Lắng nghe và quan sát chính bản thân mình để tập luyện Yoga an toàn
“Quay vào bên trong” trong tập luyện Yoga là trạng thái khi một người đưa sự nhận thức vào cơ thể, hơi thở và chuyển động. Đây cũng là một yếu tố không thể thiếu dù bạn chọn bất kỳ loại hình vận động nào. Từ việc đặt để lòng bàn tay chuẩn chỉnh, rồi giữ sự ổn định ấy để thực hiện một hành động khác cũng cần một thời gian đủ dài, vì vậy hãy từ từ và lắng nghe cơ thể nhé.
Phần lớn những chấn thương không tới từ việc luyện tập
Có rất nhiều nguyên nhân cấu thành nên một cơn đau trên cơ thể bạn. Ví dụ nhỏ như việc sử dụng máy tính nhiều sẽ khiến cho cổ tay của bạn lặp đi lặp lại một hành động quá nhiều lần và làm tổn thương các gân ở cổ tay, gây sưng viêm và áp lực lên dây thần kinh. Do đó, khi người tập chống tay xuống sẽ cảm thấy đau nhưng lại lầm tưởng rằng cái đau đó do tập luyện mà ra.
Ví dụ kể trên là một trường hợp điển hình cho rất nhiều trường hợp hiểu nhầm về chấn thương trong tập luyện khác như đau lưng, đau gối, đau cổ vai gáy và rất nhiều bệnh lý khác.
Chúng ta cần phải tìm hiểu ra được nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng đó và không nên tự quyết định nghỉ tập hay ngưng tập ngay lập tức, bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều những lợi ích của việc luyện tập nếu như nghỉ, đôi khi còn khiến cho cơ thể mệt mỏi và đau nhức nhiều hơn. Thay vào đó, hãy nhờ tư vấn từ những người huấn luyện viên có kinh nghiệm hoặc bác sĩ, chuyên gia về vận động học để tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất như thay đổi cách sinh hoạt, chuyển qua một lớp phù hợp hơn, tham gia các lớp trị liệu, phòng cho trường hợp bất khả thi và nặng nhất thì mới nên nghĩ đến việc ngừng tập.
Chăm sóc sau chấn thương
Chăm sóc cơ thể sau khi bị chấn thương cũng là một kiến thức mà ai cũng cần trang bị để tối ưu hóa việc phục hồi và mau chóng trở lại với việc luyện tập để tăng cường chất lượng cuộc sống.
Có rất nhiều cách để xử lý ngay sau khi chấn thương nhưng phổ biến nhất đó chính là giữ cho xương khớp ổn định và chườm lạnh. Sau đó, hãy hạn chế hoạt động cho vùng bị chấn thương để chúng được hồi phục trong một khoảng thời gian nhất định.
Bất kỳ hành động nào cũng có rủi ro chấn thương, việc luyện tập cũng vậy, nó không phải là một thứ để chúng ta sợ và không tập luyện, hoặc cũng không phải là cái gì khiến chúng ta phải lơ là bản thân.
Phòng tránh chấn thương là một việc rất cần thiết trong việc luyện tập. Vì vậy, đừng lơ là cơ thể này, quan sát và chú tâm vào cơ thể cũng là một cách để yêu thương bản thân.