Yogi – Bhogi – Rogi Là Gì? Bạn là Ai Trong số đó?
Trong chúng ta, có lẽ ai cũng đều khá quen thuộc với từ Yogi. Nhưng bên cạnh đó, cũng có một khái niệm được truyền miệng rằng: “không phải cứ tập Yoga thì sẽ là một Yogi”. Vậy, Yogi là gì mà để trở thành một Yogi thực thụ, ta cần đạt được những yếu tố nào?
“Một Yogi ăn một lần một ngày, một Bhogi ăn hai lần, một Rogi ăn ba lần, và cần bốn người đàn ông khiêng bạn đến giàn thiêu”.
Đây là một câu thơ được truyền bá khá phổ biến khi nói về đề tài “Yogi” và mang nhiều ý nghĩa sâu xa trong việc đánh thức tâm trí ở đa dạng khía cạnh.
Bài thơ này được biết đến trên khắp Ấn Độ vì một lượng lớn kiến thức được lưu truyền qua những bài thơ và Vachana (bài viết theo phong cách xưa của Ấn Độ).
Hành giả Yogi ăn mỗi ngày một lần được trích dẫn trong nhiều bản văn. Một trong số đó là Charaka Samhita – văn bản chính của Ayurveda. Việc này được trích dẫn ở đó ít nhất hai lần để nhấn mạnh về việc ăn uống và cách sống của một người Yogi.
Đây cũng là bằng chứng rõ ràng hơn về sự hiểu biết chưa đúng ở một số nơi về các chế độ ăn kiêng, nước trái cây và các chất giải độc của phương Tây hoàn toàn không liên quan gì đến Yoga hoặc kiến thức về y học cổ truyền của Ấn Độ.
Điều này cũng cần được nhìn nhận ở một góc độ nào đó để hiểu nó. Có một câu hỏi rằng: “vậy thì tôi chỉ nên ăn một lần một ngày?” Tất nhiên là không, bạn muốn trở thành người như thế nào mới thực sự là câu hỏi.
Một Yogi sống một cuộc đời rất khổ hạnh. Điều đó là một điều hiển nhiên đối với người dân Ấn Độ. Vì vậy, đừng ăn mỗi ngày một lần trừ khi bạn sống trong rừng, thiền định cả ngày và có một nghi quỹ thực sự.
Điều bạn có thể nhận được từ ý nghĩa sâu xa hơn trong điều này là bạn càng ăn ít thì bạn càng khỏe mạnh. Tâm trí kiểm soát hầu hết mọi thứ nhưng làm sao kiểm soát được tâm trí thì lại cần rất nhiều sự tỉnh thức. Để kiểm soát tâm trí thì nhịn ăn là một trong những phương án cao cấp.
Khi bạn không nuôi dưỡng những ham muốn, tức là đang đi ngược lại với dòng chảy thụ động của tâm trí, tức mình đang kiểm soát nó. Bước đầu tiên trong quá trình này là nhận ra rằng bạn không phải là tâm trí, đó cũng là bước khó nhất trong việc tập luyện Yoga. Tâm trí khi chưa luyện tập là một tổ hợp của sự gắn kết của những ham muốn, sự gắn kết đó chặt chẽ đến mức làm cho con người lầm tưởng sự buông bỏ/tách rời và con đường tâm linh. Đây thực chất chỉ là sự quy chụp vào những khái niệm mơ hồ và những dính mắc vào hình ảnh một người không đáng phải theo đuổi.
Vậy 3 khái niệm Yogi, Bhogi, Rogi là gì? Những khái niệm này được Chúng tôi chia sẻ bên dưới sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bản chất của một người, và từ đó hướng bản thân mình đến với một phiên bản phù hợp và tốt đẹp nhất với đời sống cá nhân và cộng đồng.
Bhogi
“Bhoga” nghĩa là sự nghiện ngập. Bhogi là một người ăn cả thế giới – bị lệ thuộc và say mê thế giới vật chất bên ngoài và có rất ít hoặc không có kỷ luật, dù bạn có biết đến chúng hay không. Tâm trí của họ được bao phủ bởi Rajas (tăng động) và Tamas (trì trệ), họ thích tận hưởng cuộc sống và tránh xa bất cứ điều gì gây ra sự cản trở cho sở thích của mình.
Nhận thức của họ được cho là có nhiều lớp mây. Họ sống một cuộc đời tìm kiếm niềm vui bởi vì nỗi đau là mặt đối lập của việc đó, họ liên tục di chuyển từ cái này sang cái khác và lặp đi lặp lại vòng luân hồi đó mà không có hồi kết. Họ quan tâm đến những gì thuộc xu hướng và phổ biến tại thời điểm hiện tại.
Đối với một Bhogi, chỉ có một bài kinh mà họ cho là tâm đắc và có thể niệm ở bất cứ đâu “Hơn nữa, tôi muốn hơn thế nữa”.
Rogi
“Roga” có nghĩa là bệnh tật. Một Rogi là một người có một cuộc sống tạo ra bệnh tật cho chính họ trong sự thiếu hiểu biết của chính mình. Họ không thể trải nghiệm hạnh phúc cuộc sống vì sức khỏe (của thân và tâm) là bước đầu tiên dẫn đến hạnh phúc. Mắc bệnh giống như bị xiềng xích một quả bóng vào mắt cá chân của bạn và tệ hơn thế, chính đôi chân đó lại cứ đá trái bóng đó đi xa hơn và trái bóng lại kéo mình đi tiếp cuộc đời đau bệnh.
Các giác quan và nhận thức của họ không hoạt động bình thường và bị ức chế nên khả năng nhận thức của họ cũng vậy và do đó những lựa chọn họ đưa ra không có lợi cho sức khỏe của họ. Người ta nói rằng một người bị bệnh vàng da sẽ nhìn thấy một bức tường màu trắng như màu vàng. Cái đó đã nói lên tất cả. Họ không thể nhìn thấy bất cứ thứ gì ngoài con mắt hoặc giác quan của căn bệnh của họ. Họ không biết bất cứ điều gì khác. Nó nằm ngoài nhận thức của họ.
Rogi là một người ích kỷ và luôn cho mình là tâm điểm của mọi vũ trụ. Điều này cho thấy Rogi là một người đối lập với Bhogi khi mà sự quay vào bên trong của họ quá nhiều và lệch lạc, đến mức họ cho rằng mọi điều ngoài kia đều là vô nghĩa ngoại trừ chính bản thân họ.
Yogi
Một Yogi có kỷ luật để đi theo con đường có mục đích và đạt được sự tỉnh thức cao hơn, những mục đích này là để hướng tới một tâm trí tốt và cân bằng, để tìm sự phúc lạc tối cao thông qua đời sống và cách mà họ sẽ phản ứng với mọi việc xung quanh. Trong thân tâm họ sẽ không có tính cách “thích cái này và muốn cái kia” – điều mà sẽ cản trở họ đưa ra những quyết định đúng đắn – vì không có sự lựa chọn nào là tuyệt đối với nhận thức của họ.
Yogi là một phiên bản cân bằng giữa Bhogi và Rogi một cách có tỉnh thức. Họ có thể nhận biết được vật chất xung quanh với đúng bản chất và không bị lệ thuộc, mà vẫn yêu thương, chăm sóc bản thân để tạo nên được những giá trị cốt lõi tốt đẹp và mang chúng chia sẻ với tất cả mọi người theo nhiều hình thức.
Nhờ vào cách sống này, mà một người chưa từng tiếp xúc với họ trực tiếp nhưng vẫn sẽ được truyền một nguồn động lực để thay đổi bản thân tốt đẹp hơn. Sự hiện diện của một Yogi đơn thuần đã là một sự an yên có thể cảm nhận rõ.
Một Yogi là người nhận ra rằng tất cả các hành động của cả Bhogi và Rogi cuối cùng đều không có kết quả, rằng những cảm giác thèm muốn và đam mê thỏa mãn chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Từ đó nảy sinh mong muốn về một thứ gì đó chân thực hơn. Vì vậy, một hành giả Yoga sẽ muốn thoát ra, muốn được giải thoát khỏi nanh vuốt của tâm trí và các giác quan để nhận ra rằng sự bình yên và hạnh phúc là điều thực sự tồn tại ở bên trong.
“The moment you call yourself a “Yogi”, you stop being one” – tạm dịch là: “Khi bạn tự nhận mình là một Yogi, bạn đã không còn là một Yogi nữa”. Vốn dĩ câu nói này là dành tặng cho những ai đang thực hành trên con đường Yoga. Cái tôi, sẽ là thứ không có hoặc rất ít sự hiện diện khi ta đã chọn đi trên con đường Yoga.
Vì vậy chúng ta là Yogi, Bhogi hay Rogi? Chúng ta chắc hẳn ai cũng có cả 3 bản chất, nhưng suy cho cùng thì bản chất nào cũng sẽ có cái tốt riêng. Sẽ có lúc chúng ta là Rogi, lúc khác lại là Bhogi. Nhưng sau hết, hãy tỉnh thức quan sát và cân bằng để trở về với bản chất Yogi thực thụ.