8 Điều Tôi Ước Mình Đã Biết Khi Bắt Đầu Dạy Yoga

Tôi đã bước đi trên hành trình rèn luyện và hướng dẫn Yoga tới cộng đồng được nhiều năm, có một số điều Tôi ước mình đã biết ngay từ khi bắt đầu dạy Yoga. Đó quả thực là những bài học đã đến với Tôi từ chính kinh nghiệm và những trải nghiệm mà tôi hữu duyên được nhận từ học viên của mình khi đứng lớp.

Balance Yoga Villa - 8 Điều Tôi Ước Mình Đã Biết Khi Bắt Đầu Dạy Yoga
Những chia sẻ của Huấn luyện viên Nhung Đỗ tại Balance Yoga Villa

Bạn đã hoàn thành một khóa đào tạo Huấn Luyện Viên Yoga kéo dài 200 giờ, chúc mừng Bạn vì đã hoàn thành chặng đường đầu tiên trên hành trình tu học và lan tỏa những giá trị của Yoga tới cộng đồng. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi biết rằng ở chặng đường phía trước, thay vì vội vàng đi chia sẻ Yoga thì điều chúng ta nên làm là thực hành Yoga như một công cụ để thấu hiểu về bản thân.

Trong suốt hành trình hướng dẫn Yoga và cố vấn cho nhiều Huấn Luyện Viên Yoga mới tốt nghiệp để phát triển cho sự nghiệp hướng dẫn của họ, mặc dù có nhiều khía cạnh của việc giảng dạy mà chúng ta cần phải tự học, nhưng có một số hiểu biết sâu sắc mà Tôi đã học được trong nhiều năm mà Tôi sẵn lòng chia sẻ.

Nếu Tôi biết những điều này ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp giảng dạy của mình, chắc chắn chúng sẽ giúp cuộc sống của Tôi với tư cách là một giáo viên Yoga mới dễ dàng hơn rất nhiều.

Ngắn gọn – Bạn không thể dạy mọi thứ cho tất cả mọi người trong một lớp học

Là một giáo viên mới, tôi biết Bạn rất hào hứng với những kiến thức mới về Yoga mà Bạn đã học được và muốn chia sẻ tất cả với học viên. Tuy nhiên, như Bạn đã biết rằng một ngôi nhà không được xây dựng trong một ngày, và việc tập Yoga của bất kỳ ai cũng vậy.

Bạn không thể mong đợi học viên của mình học mọi thứ ngay lập tức. Một lớp học Yoga thường kéo dài 60 phút và nếu Bạn cố gắng truyền đạt tất cả mọi kiến thức thì nó có thể khiến học viên của Bạn cảm thấy choáng ngợp, lo lắng và lo sợ rằng liệu họ có phù hợp với bộ môn này.

Thay vì cố gắng dạy mọi thứ Bạn biết, hãy đơn giản hóa việc dạy của Bạn thành một chủ đề hoặc một vài điểm chính Bạn sẽ hướng dẫn trong mỗi buổi tập. Điều này sẽ giúp cho học viên của Bạn tiếp nhận và ghi nhớ lời hướng dẫn của Bạn tốt hơn, với một tinh thần thoải mái hơn trong quá trình tập luyện.

Duy trì điều đó cho đến khi Bạn trở nên tự tin hơn với những hướng dẫn của mình và học viên của Bạn có những thay đổi nhất định về thể chất và tâm thái. Sẽ có những lớp học khác mà Bạn có thể chia sẻ nhiều điều hơn và chia sẻ những điều gì đó khác biệt hơn, có thể là những buổi workshop với những chủ đề riêng biệt.

Nếu Bạn muốn dạy tốt hơn, Bạn phải dạy!

Balance Yoga Villa - 8 Điều Tôi Ước Mình Đã Biết Khi Bắt Đầu Dạy Yoga
Nếu Bạn muốn dạy tốt hơn, Bạn phải dạy!

Bên cạnh việc đa số học viên sẽ rất hào hứng muốn chia sẻ kiến thức của mình, Tôi biết cũng có rất nhiều Bạn còn nhiều lo ngại và chưa tự tin với chính mình “Có lẽ Tôi cần được đào tạo nâng cao, Tôi cần phải tập thật giỏi thì Tôi mới sẵn sàng sẵn sàng dạy lớp đầu tiên của mình.”

Tôi khuyến khích mọi giáo viên theo đuổi một khóa đào tạo nâng cao , không có gì hữu ích hơn khi Bạn đang cố gắng xây dựng các kỹ năng dạy Yoga của mình hơn là tập trung hoàn toàn vào việc dạy Yoga. Tuy nhiên, Bạn chỉ có thể làm tốt khi Bạn thực sự bắt đầu, và học trên chính những vấp ngã của chính mình.

Khóa đào tạo giáo viên Yoga 200 giờ có thể đã cho Bạn biết cách Bạn có thể xử lý các tình huống khác nhau, tuy nhiên, những tình huống được mô phỏng trong lớp học để giúp Bạn thực hành kỹ năng đứng lớp và hướng dẫn đến từ các Bạn học khác – những người cũng sẽ trở thành giáo viên Yoga, điều này không thể cho Bạn những trải nghiệm chân thực.

Ví dụ khi Tôi hướng dẫn một lớp Yoga cộng đồng ở một câu lạc bộ Yoga, Tôi thường xuyên bắt gặp học viên mới tham dự các lớp Vinyasa đầy thử thách. Lúc đầu, Tôi quá tập trung vào việc cố gắng giúp những học viên mới này thực hiện mọi tư thế trong chuỗi bài, sự tập trung của Tôi gần như chỉ đặt tại họ. Và Tôi nhận ra rằng, Tôi đã tạo áp lực tập luyện lên họ Bằng chính sự quan tâm quá mức của mình và “bỏ rơi” các học viên còn lại.

Theo thời gian, Tôi nhận ra rằng khi những học viên mới bắt đầu đến với các lớp học nâng cao hơn, việc Tôi dành nhiều hơn sự quan tâm cho họ để đảm bảo sự an toàn trong quá trình tập luyện là điều cần thiết, nhưng Tôi cần giới hạn các hướng dẫn cụ thể cho họ và cân bằng việc dành sự quan tâm đồng đều tới toàn bộ học viên trong lớp tập. Và bằng cách đó, học viên mới của Tôi cũng sẽ tận hưởng hơn buổi tập của họ.

Cuối cùng, chính những tình huống như thế này đã giúp Tôi quản lý tốt hơn một một lớp tập đông học viên với các cấp độ tập luyện và tình trạng thể chất khác nhau. Kiến thức thực tế mà Bạn có được nhờ kinh nghiệm là không thể so sánh với bất kỳ hình thức đào tạo nào khác.

Chú ý các thói quen khi giao tiếp của Bạn

Tất cả chúng ta đều có những từ mà chúng ta nói đi nói lại nhiều lần trong vô thức khi hướng dẫn một lớp Yoga. Ví dụ như việc lặp lại từ “rồi” quá thường xuyên trong các lớp học của mình khi được học viên liên hệ và phản hồi rằng họ rất yêu thích các lớp học của Tôi nhưng tôi đã lặp từ rất nhiều.

Cách tốt nhất để nhận biết mình có đang gặp tình trạng này hay không là Bạn có thể ghi hình buổi học hôm đó trên điện thoại hoặc trên Zoom và nghe lại sau. Bạn sẽ nghe thấy chúng.

Và để có thể sửa tật lặp chữ này, ngoài việc Bạn cần kỷ luật hơn trong việc chuẩn bị một giáo án kỹ càng trước khi vô lớp, Bạn cần phải rèn luyện nhiều hơn sự tỉnh thức của bản thân, duy trì nhận thức và lắng nghe bản thân để biết chắc chắn rằng mình đang nói gì và muốn chia sẻ điều gì với học viên của mình.

Xem ngôn ngữ cơ thể của Bạn

Tôi chắc chắn rằng Bạn đã được học điều này trong khóa học Huấn Luyện Viên Yoga 200 giờ, tuy vậy khi Bạn hướng dẫn một lớp Yoga thực tế, sự bối rối và lo lắng sẽ được thể hiện ra bằng ngôn ngữ của cơ thể Bạn.

Hãy chú ý cách Bạn ngồi hoặc đứng trong suốt thời gian lớp học được diễn ra. Tư thế của Bạn có phản ánh cách Bạn muốn được nhìn nhận không? Chú ý cách Bạn ngồi ở đầu lớp hoặc di chuyển trong phòng. Bạn có đang khoanh tay không? Bạn đang làm điều gì với bàn tay của mình?

Bạn có thể không nhận ra những điều này nhưng để thay đổi thì Bạn cần nhận ra mình đang có những biểu hiện “kì lạ” nào. Nếu Bạn dạy trong một không gian không có gương, hãy nhờ một người Bạn hoặc giáo viên đồng nghiệp quan sát ngôn ngữ cơ thể của Bạn trong lớp và chia sẻ những gì họ quan sát được. Hãy học cách kiểm soát ngôn ngữ cơ thể để trở nên tự tin toàn diện hơn khi đứng lớp.

Mọi người đều có trải nghiệm độc đáo của riêng mình

Mỗi học viên sẽ có trải nghiệm độc đáo của riêng họ khi tham gia một buổi tập Yoga.

Thậm chí, Bạn có thể nghĩ rằng đây là lớp Yoga mà mình dạy tốt nhất từ trước đến nay nhưng lại nhận được phản hồi không thoải mái từ học viên. Hoặc ngược lại, có những lần Tôi nghĩ hôm nay mình làm chưa tốt nhưng nhiều học viên đến gặp Tôi sau giờ tập và nói, “Thật tuyệt vời, nhờ cô mà Tôi có buổi tập tuyệt vời nhất từ trước đến nay”.

Những học viên đôi khi cũng sẽ mang những căng thẳng trong công việc, mối quan hệ, trở ngại thể chất, tinh thần cũng như cảm xúc để bước vào phòng tập. Và thành thật mà nói, dù là người hướng dẫn chúng ta cũng sẽ có những rào cản của riêng mình mà cũng có lúc chúng ta không thể “để ngoài cửa” trước khi bắt đầu buổi tập.

Khi Bạn cầu toàn đến mức mong muốn đảm bảo rằng mọi người hoàn toàn say mê với lớp học của Bạn, Bạn sẽ phát điên mất! Và những căng thẳng từ bên trong ấy sẽ khiến cho việc hướng dẫn của Bạn trở nên kém hiệu quả hơn với tư cách là một giáo viên. Hãy trút bỏ gánh nặng mà Bạn cần để làm cho mọi người hạnh phúc, Bạn đã định vị hướng đi của Bản thân mình với những tiêu chuẩn nhất định về chuyên môn và nội tâm, cố gắng hết sức để thể hiện theo cách phù hợp với nhu cầu của học viên.

Hãy quan sát học viên của Bạn

Balance Yoga Villa - 8 Điều Tôi Ước Mình Đã Biết Khi Bắt Đầu Dạy Yoga
hãy tìm một vài chỗ đứng khác nhau trong phòng để quan sát học sinh của Bạn từ mọi góc độ khác nhau, sau đó di chuyển giữa các tấm thảm một cách có phương pháp để quan sát kỹ hơn và khi Bạn quan sát được những gì học viên của Bạn đang làm

Khi Bạn lo lắng, thông thường Bạn sẽ đi lại trước lớp và đọc thuộc lòng một đoạn kịch bản lời dẫn đã được chuẩn bị trước, điều này gây khó khăn cho việc quan sát xem học viên của Bạn đang thực sự làm gì, họ có thực hiện được hành động mà Bạn đang nói đến?

Điều này cũng gây khó khăn cho việc thay vì dạy những gì học viên của Bạn thực sự cần, Bạn lại chỉ hướng dẫn bằng cách đọc những tên tư thế một cách “máy móc” đã được học từ người thầy của mình.

Thay vào đó, hãy tìm một vài chỗ đứng khác nhau trong phòng để quan sát học sinh của Bạn từ mọi góc độ khác nhau, sau đó di chuyển giữa các tấm thảm một cách có phương pháp để quan sát kỹ hơn và khi Bạn quan sát được những gì học viên của Bạn đang làm, Bạn có thể đưa ra những điều chỉnh phù hợp cho từng cá nhân.

Luôn sẵn sàng cho tình huống thay đổi giáo án

Khi bắt đầu sự nghiệp giảng dạy của mình, Tôi đã bất ngờ nhận ra rằng những gì Tôi đã lên kế hoạch sẽ không hoàn toàn hiệu quả với một lớp học cụ thể nào đó.

Khi tình huống như vậy xảy ra, Tôi đã từng vô cùng choáng ngợp và toàn bộ năng lượng sẽ thay đổi vì Tôi không còn có thể bám vào mục tiêu đó nữa. Tuy nhiên, theo thời gian, Tôi nhận ra rằng những tình huống này là một phần công việc khi Bạn dạy các lớp Yoga dành cho mọi trình độ đang được mở ở các trung tâm. Việc trở nên mệt mỏi và thậm chí rối tung lên khi cần suy nghĩ một vài câu hướng dẫn cho những tình huống bất ngờ là điều bình thường. Đừng quên hít thở và sử dụng tất cả những kỹ năng mà Bạn đã trau dồi từ các khóa đào tạo, tin tưởng và linh hoạt.

Tôi đã từng dành hàng giờ để viết một trình tự tuyệt vời để có một buổi hướng dẫn tư thế đỉnh Eka Pada Rajakapotasana (Tư thế bồ câu vua) và khi bước vào lớp Tôi gặp tình huống rằng có rất nhiều người mới bắt đầu tham gia buổi tập của mình. Trong những khoảnh khắc như thế này, điều mà Tôi nên làm là quên đi kế hoạch của mình và thay đổi giáo án để hướng dẫn một trình tự phù hợp hơn với lớp hiện tại.

Học cách thay đổi giáo án một cách linh hoạt để đáp ứng với tình huống trước mặt Bạn là một kỹ năng sẽ nâng cao trình độ giảng dạy của Bạn. Tôi không nói rằng Bạn cần phải hướng dẫn một trình tự tư thế mới hoàn toàn trong tình huống đó, nhưng việc điều chỉnh bài dạy một cách nhanh chóng để các tư thế phù hợp hơn với mức độ học viên trong lớp hiện tại là điều cần thiết.

Hãy khiêm tốn

Chân thực là một trong những phẩm chất hấp dẫn nhất ở một giáo viên. Đúng vậy, trong nhiều năm dạy Yoga, Tôi đã cố gắng hết lần này đến lần khác để giải mã hình tượng của người hướng dẫn mà Tôi hướng tới. Và Một điểm chung mà Tôi vô cùng yêu thích ở các bậc thầy về Yoga trong mọi dòng truyền thừa và cách tiếp cận Yoga là họ xuất hiện một cách bình dị và chân thực.

Khi Bạn với tư cách là giáo viên cảm thấy thoải mái và tin tưởng vào con người của Bạn, học viên của Bạn sẽ thấy điều đó hấp dẫn. Mọi người muốn học hỏi từ những người đang thực hành những gì họ giảng. Bạn có thể hiểu mọi khía cạnh của một kiến thức nào đó mà Bạn chia sẻ, nhưng nếu Bạn không phải là chính mình khi chia sẻ những lời dạy của mình với học viên, thì điều đó có thể sẽ không hiệu quả.

Không có giáo viên Yoga nào biết câu trả lời cho mọi câu hỏi. Chủ đề về Yoga là vô tận. Bạn có thể học tập và rèn luyện rất chăm chỉ để trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực mà Bạn quan tâm, nhưng Bạn luôn có thể trả lời các câu hỏi của học viên bằng cách nói rằng “tôi không biết”.

Tôi biết rằng học viên của Bạn tin tưởng Bạn và Bạn cũng muốn thể hiện sự tỏa sáng của chính mình trong mắt họ. Nhưng học viên của Bạn sẽ tôn trọng và đánh giá cao khi Bạn xác thực với kiến thức và sự hiểu biết của mình. Đừng gây áp lực cho bản thân để trả lời một câu hỏi mà Bạn không biết.

Điều này đặc biệt đúng khi nói đến các chủ đề cần có chuyên gia y tế. Trong những năm đầu giảng dạy của Tôi, một học viên đã hỏi tôi có lời khuyên nào về tình trạng 2 mắt của họ bị sưng đỏ khiến cho họ mờ mắt và phải dừng việc tập luyện nửa chừng để nghỉ ngơi. Trong đầu tôi lúc đó nghĩ, “Ôi, Tôi không biết phải nói gì với người này. Tôi mới chỉ được học 200 giờ đào tạo, Tôi chưa từng gặp tình huống thực tế để kiểm chứng bất kỳ điều gì”. Trong khi đó, học viên đang nhìn Tôi với ánh mắt mong đợi. Cuối cùng, Tôi đã nhìn lại trình tự hướng dẫn của mình và đưa ra phán đoán bệnh lý về tình trạng “tăng nhãn áp” và đề nghi học viên của Tôi nên gặp chuyên gia y tế. Nhìn lại, lẽ ra Tôi nên thành thật và dứt khoát hơn rằng Tôi chỉ đang phán đoán dựa trên kiến thức lý thuyết và họ thực sự cần thăm khám với các chuyên gia y tế.

Tóm lại, cho đến hiện nay, những trải nghiệm mà Tôi hữu duyên được nhận trong quá trình hướng dẫn Yoga và những thay đổi của học viên về thể chất, tinh thần, và tâm hồn; là những điều tôi vô cùng trân quý và cũng là điều khiến cho tôi gắn bó với nghề.

Sự học là không có giới hạn và tôi tin rằng, các Bạn và cả Tôi, với những bài học chúng ta nhận được và trau dồi qua từng giờ hướng dẫn, sẽ giúp cho hành trình chia sẻ Yoga đến với quý học viên trở nên trọn vẹn và ý nghĩa hơn.

Hotline: 0968 009 723