Abhyasa Và Vairagya – Đi Tìm Sự Cân Bằng Trong Luyện Tập Yoga

Đến với Yoga, hầu như tất cả mọi người đều có cùng mong muốn là tìm lại những giá trị mang lại sự an yên và tĩnh lặng trong tâm trí lẫn cơ thể vật lý. Điều này được gọi tên là Sự cân bằng.

Balance Yoga Villa_Abhyasa và Vairagya
Abhyasa và Vairagya như là hai thái cực âm và dương để giúp ta tìm lại được sự cân bằng cho toàn bộ cơ thể lẫn tâm trí

Một cơ thể luôn năng động sẽ muốn tìm cách để tĩnh lặng, ngược lại một tâm trí trì trệ sẽ mong cầu được bừng sáng. Trong kinh Yoga (Yoga Sutra) do thầy Patanjali biên soạn, có đề cập đến Abhyasa và Vairagya như là hai thái cực âm và dương để giúp ta tìm lại được sự cân bằng cho toàn bộ cơ thể lẫn tâm trí.

Trong Yoga Sutra có viết rằng: “abhyasa vairagyabhyam tannirodhah”, tạm dịch là kiên trì luyện tập và buông bỏ được phối hợp để làm vững chãi tư thế, với một tâm trí tỉnh thức.

Yoga là gì?

Trước khi xem xét chi tiết Abhyasa và Vairagya, chúng ta cần hiểu thấu đáo Yoga là gì. Trong thế giới hiện đại, nơi nền văn hóa của chúng ta dễ dàng bị chi phối bởi công nghệ và nhịp độ hối hả, Yoga thường bị nhầm là tập thể dục và không thể hơn thế nữa. Yoga – một bộ môn tâm linh cổ xưa đã bị biến thành một bài tập luyện, không có nền tảng triết học.

Tập thể dục được định nghĩa là nỗ lực thể chất hoặc tinh thần, đặc biệt là để cải thiện sức khỏe. Yoga liên quan đến nỗ lực thể chất và tinh thần thông qua asana (tư thế), và chính những tư thế đó kết hợp với những triết lý sống của Yoga, chúng ta sẽ được cải thiện sức khỏe toàn diện. Ngày nay, Yoga hiện đại vẫn thường dùng các tư thế để tập luyện nhưng không phải vì thể chất, mà là để liên kết với tâm trí thông qua những điều bất ổn chúng ta nhận thấy khi tập luyện và tìm lại sự tĩnh lặng.

Vậy thì Yoga là gì? Patanjali, một học giả sống cách đây hơn 2000 năm, được ghi nhận là người đã đối chiếu và viết ra Kinh Yoga (Yoga Sutra), 196 câu cách ngôn phác thảo triết lý của Yoga. Kinh không chỉ cung cấp cho Yoga một nền tảng triết học thấu đáo và nhất quán, mà còn làm sáng tỏ nhiều khái niệm quan trọng.

Kinh 1.2 viết rằng: “Yogah Cittavrtti Nirodhah”, được dịch là “Yoga là ngừng lại các chuyển động của tâm thức”. Tâm thức (Citta) là khả năng nhận thức của chúng ta và được tạo thành từ tâm trí, trí tuệ và bản ngã. Virtis là những dao động trong ý thức hay dịch nôm na là những làn sóng suy nghĩ liên tục quấy nhiễu tâm trí. Yoga cho chúng ta những phương pháp để hiểu tâm trí và giúp làm cho nó tĩnh lặng.

Vậy để có được một tâm trí tĩnh lặng, người thực hành Yoga phải nắm được bài học của Abhyasa và Vairagya. Vậy những điều đó là gì?

Abhyasa – Sự kiên trì/ bền bỉ/ nỗ lực

Trong Kinh Yoga (1:13), Patanjali định nghĩa Abhyasa như sau: “Abhyasa là nỗ lực để đạt được sự ổn định trong trạng thái chấm dứt những dao động của tâm trí.” Trong kinh 1:14, ông giải thích thêm: “Nhưng thực hành này chỉ có nền tảng vững chắc sau khi nó đã được tu tập đúng cách và trong một thời gian dài không gián đoạn.”

Thực chất là vậy, không một ai có thể đến với thành công mà không có sự nỗ lực. Một người thành công sẽ luôn phải đánh đổi bằng sự kiên trì mỗi ngày.

Đây là những lý thuyết về tâm trí trong khi thực hành Yoga. Tương tự trong một tư thế Yoga, tất cả chúng ta ai nấy đều sẽ cảm nhận được sự lung lay hoặc khó chịu khi thực hiện một tư thế trong những giai đoạn đầu tiên chúng ta tiếp cận, đó là dấu hiệu của sự mất cân bằng cho cơ thể vật lý, cộng hưởng với những dao động trong tâm trí. Khi đó, việc mà một học viên Yoga nên làm đó là cố gắng và nỗ lực một cách kiên trì với tư thế để giải quyết các vấn đề trong tâm trí.

Một điều rất quan trọng đó là Abhyasa không phải là bất kỳ một sự nỗ lực nào, mà nó cố định là sự cố gắng xoa dịu những suy nghĩ hay cảm xúc trong thân tâm. Khi sự tập luyện đã kết nối được với sự vô thức, tức cơ thể hoặc tâm trí của chúng ta không cần quá nỗ lực để tìm kiếm sự tĩnh lặng, thì lúc đó cơ thể sẽ rất dễ dàng và ít hao tổn năng lượng để thực hành thiền định và hơn thế nữa.

Vairagya – Sự tách rời/ buông bỏ/ buông xuôi

Balance Yoga Villa_HV Hoàng Ngọc
Vairagya không phải là sự từ bỏ mọi thứ. Đó là sự từ bỏ các giá trị sai lầm, là bộ lọc tinh thần và giáo điều tạo ra mối quan hệ sai lầm với thế giới và mọi thứ xung quanh chúng ta

Vairagya được định nghĩa là sự tách rời khỏi những thứ trần tục, một sự tự do khỏi những ham muốn trần tục, hay sự bình thản. “Vairagya là sự chắc chắn về khả năng làm chủ của hành giả Yoga, người không khao khát những thứ hữu hình và được tiết lộ (hoặc vô hình).” – Kinh Yoga (1:15).

Vì mọi ham muốn đều tạo ra một loại trói buộc, nên chúng ta cần phải được giải thoát khỏi chúng. Trong bản chất của mỗi con người, một ham muốn được liên kết với bản ngã, và từ đó tạo thành một bức màn ngăn cách chúng ta đến với một phiên bản hoàn thiện hơn của chính mình. Đối với những người đã thực hành Vairagya, mọi thứ khác chỉ là phù du và cuộc đời là vô thường, họ sẽ hướng tâm đến những thứ lớn lao hơn.

Vairagya thường được định nghĩa là từ bỏ, từ bỏ bản thân hoặc tự chủ. Nó thường được hiểu là sự từ bỏ một số loại vật chất hoặc của chính thế giới. Nhưng trên thực tế, Vairagya không phải là sự từ bỏ mọi thứ. Đó là sự từ bỏ các giá trị sai lầm, là bộ lọc tinh thần và giáo điều tạo ra mối quan hệ sai lầm với thế giới và mọi thứ xung quanh chúng ta. Những suy nghĩ và tri giác sai lầm chính là lý do cho những dính mắc và ghét bỏ, thích và không thích của chúng ta.

Do đó, thách thức chính trong Vairagya nằm ở chỗ khó phân biệt giữa giá trị giả và giá trị thực trong cuộc sống – cái nào cần buông và cái nào cần giữ.

Khi chúng ta vươn lên một mức độ thực tế cao hơn, chúng ta không từ chối mức độ thấp hơn của thực tế. Thay vào đó, chúng tôi vượt qua nó và tích hợp nó vào một viễn cảnh rộng lớn hơn.

Vairagya có thể được mô tả chính xác hơn là “tinh thần từ bỏ”. Việc thực hành Yoga cần có đức tính này để người tập có thể nhận thấy được đâu là thời điểm cần phải buông bỏ và không bị rơi vào trạng thái níu giữ dư thừa (ví dụ như quá cố gắng cho một tư thế đến nỗi mất ăn mất ngủ và mất luôn cả tâm trí để làm một việc gì đó). Sự rộng lượng, lòng trắc ẩn và tình yêu thương không bị giới hạn và gò bó bởi những ham muốn ích kỷ đều bắt nguồn từ Vairagya .

Sự liên kết giữa Abhyasa và Vairagya

Các khái niệm về Abhyasa và Vairagya, mặc dù nghe có vẻ đối nghịch nhau, nhưng chúng bổ túc cho nhau để chúng ta có một trụ cột tinh thần vững chắc để điều chỉnh tâm trí của chúng ta. Đa phần chúng ta phải tự nỗ lực để khám phá mối liên kết và vận dụng vừa đủ cả hai tính chất này.

Thực hành hai điều này có nghĩa là tìm kiếm sự cân bằng giữa nỗ lực và buông bỏ. Chẳng hạn, thông qua Abhyasa, bạn đặt rất nhiều nỗ lực vào một nhiệm vụ (Thực hành) nhưng qua Vairagya, bạn sẽ cảm thấy sự nhẹ nhàng trong việc thực hành đó bằng cách không dính mắc vào nó.

Abhyasa đưa ra con đường đúng đắn để khám phá bản thân. Trong khi Vairagya đảm bảo rằng bạn không bị lạc khỏi con đường đó trong khi khám phá bản thân. Nói một cách đơn giản, nếu

Abhyasa dạy bạn thực hành các kỷ luật tinh thần một cách khiêm tốn và tôn trọng, thì Vairagya đảm bảo rằng bạn không bị phân tâm trong trạng thái đó bởi những cám dỗ của cuộc đời.

Yoga là một hành trình dài của kiến thức và chiêm nghiệm, hãy cùng Balance Yoga Villa khám phá thêm những điều hay và thú vị trong các bài viết tiếp theo nhé.

Hotline: 0968 009 723