Bài Tập Yoga Bầu Hỗ Trợ Sinh Thường Hiệu Quả
Trải qua một quá trình mang thai với những mệt mỏi và lo lắng, đã đến lúc mẹ và gia đình đón chào thiên thần nhỏ đáng yêu ra đời. Chắc hẳn nếu không có vấn đề gì về sức khoẻ thì đa số các mẹ bầu sẽ chọn phương pháp sinh tự nhiên, trừ các trường hợp nguy hiểm mà bác sĩ phải chỉ định sinh mổ. Tuy nhiên, quá trình sinh thường cũng thật không dễ dàng, mẹ cần phải chuẩn bị tâm lí thật vững vàng để đối mặt với những cơn đau liên tục.
Để quá trình sinh nở được diễn ra thuận lợi hơn, trước đó, ở tam cá nguyệt thứ 3 của thai kỳ mẹ cần vận động nhẹ nhàng với các bài tập Yoga bầu. Trong bài viết này, Balance Yoga Villa sẽ hướng dẫn một số bài tập Yoga hỗ trợ mẹ bầu sinh thường một cách hiệu quả và nhanh chóng, giúp mẹ bầu trải qua quá trình vượt cạn như mong đợi.
Lợi ích của việc sinh thường
Đối với mẹ
- Thời gian phục hồi sau sinh nhanh, như vậy mẹ sẽ có sức khoẻ để chăm em bé tốt hơn;
- Tình trạng mất máu khi sinh thường sẽ ít hơn khi sinh mổ;
- Việc tiết sữa với mẹ sinh thường cũng nhanh hơn, vì vậy bé sẽ được bổ sung sữa mẹ ngay khi vừa mới sinh ra;
- Chi phí sinh thường thấp hơn sinh mổ;
- Đặc biệt, mẹ sinh thường sẽ không cần gây tê, gây mê nên sẽ tránh được những biến chứng do thuốc gây tê, gây mê gây ra;
- Khi lựa chọn sinh thường, mẹ sẽ cảm nhận một quá trình tìm con đầy thiêng liêng, cảm nhận được niềm hạnh phúc vô bờ khi vượt cạn thành công.
Đối với em bé
- Áp lực co bóp của tử cung khi mẹ sinh thường sẽ làm vỡ ối, những chất nhầy trong miệng, phổi, mũi của bé sẽ được tiết ra, giúp bé ít mắc các triệu chứng về đường hô hấp, giúp cho phổi bé hoạt động tốt hơn;
- Bé sinh thường sẽ được da kề da, được bú mẹ ngay khi mới chào đời, đồng thời sữa mẹ cũng không bị ảnh hưởng bởi thuốc tê, thuốc mê;
- Khi tiếp xúc với hệ vi sinh vật ở ngả âm đạo của mẹ khi sinh thường sẽ giúp cho hệ vi sinh vật đường ruột của bé tốt hơn.
Tóm lại, nếu sức khoẻ của mẹ ổn định và thai nhi bình thường, không có các vấn đề đáng lo ngại thì sinh thường là phương pháp được lựa chọn để mang lại nhiều lợi ích cho mẹ và bé. Tuy nhiên, trong một số trường hợp để đảm bảo an toàn thì biện pháp sinh mổ vẫn thật sự cần thiết. Mẹ cần thăm khám suốt thai kỳ để được bác sĩ theo dõi và kịp thời có biện pháp sinh nở phù hợp.
Yoga bầu – 8 tư thế Yoga hỗ trợ mẹ sinh thường hiệu quả
Tư thế ngồi thiền
Tư thế này giúp mẹ bầu mở rộng phần hông, xương chậu cũng như kéo giãn cột sống mở rộng lồng ngực. Việc kết hợp với bài tập hô hấp càng làm tăng thêm sự tập trung, cân bằng và sự điềm tĩnh, tác động tích cực đến việc giải toả những căng thẳng, lo âu trước lúc vượt cạn của mẹ bầu.
Cách thực hiện:
- Mẹ ngồi khoanh chân ở tư thế thoải mái nhất, giữ lưng thẳng, mặt hướng về phía trước;
- Hai tay đặt lên hai đầu gối và mắt nhắm lại;
- Mẹ hít thật sâu vào đường mũi, sau đó thở ra thật chậm rãi bằng miệng;
- Ngồi tĩnh tâm như vậy khoảng 10-15 phút mỗi ngày hoặc đến lúc mẹ cảm thấy mỏi.
Tư thế con mèo
Tư thế con mèo là một trong những động tác hỗ trợ mẹ sinh thường rất tốt trong 3 tháng cuối thai kỳ. Bài tập này tác động vào cột sống, vùng lưng, cổ và các cơ quan trong khoang bụng của mẹ.
Cách thực hiện:
- Mẹ bầu quỳ trên thảm, hai tay chống xuống thảm, giống như một chú mèo đang đứng vậy;
- Từ từ mẹ cúi đầu, cằm hướng về sát cổ, hít một hơi thật sâu cong gù lưng và đẩy lên cao;
- Giữ vài giây rồi trở về tư thế ban đầu;
- Mẹ có thể thực hiện tư thế này 10-20 lần.
Tư thế ngồi xổm (Malasana)
Đây là tư thế giúp làm giảm hoặc loại bỏ sự căng ép ở cột sống, vai và cổ. Đồng thời giúp tăng thêm lượng oxy đưa vào cơ thể đến nhau thai, mở rộng xương chậu và xương hậu môn, giảm bớt cơn đau và mệt mỏi cho mẹ bầu.
Cách thực hiện:
- Mẹ bầu đứng trên thảm, hai chân tách rộng hơn vai, hai tay chắp trước ngực;
- Từ từ hạ thấp trọng tâm xuống giống như đang ngồi xổm, sao cho phần khuỷu tay chạm vào hai đầu gối;
- Thực hiện động tác này trong khoảng 30-60 giây thì trở về tư thế ban đầu và lặp lại;
- Mẹ bầu lưu ý, khi ngồi xổm cần điều chỉnh sao cho mũi chân hướng theo đầu gối ra phía ngoài.
Tư thế cây cầu
Tư thế này giúp mẹ bầu ở giai đoạn cuối thai kỳ củng cố cơ mông, cơ đáy sàn chậu, tăng cường sức mạnh vùng bụng và gân cốt, hỗ trợ tốt cho việc sinh đẻ. Mẹ bầu có thể tập động tác này xuyên suốt cả thai kỳ.
Cách thực hiện:
- Mẹ nằm ngửa trên thảm, co hai đầu gối và bàn chân chạm thảm, hai tay xuôi theo thân và lòng bàn tay úp;
- Từ từ hít vào một hơi thật sâu, thở ra mẹ nâng nhẹ phần hông lên cách sàn một góc 45 độ;
- Giữ tư thế này từ 20-30 giây, sau đó trở về trạng thái ban đầu;
- Lặp lại bài tập này từ 5-10 lần.
Tư thế em bé
Tư thế này có lợi cho việc mở rộng hông, đùi và kéo giãn phần cơ sàn chậu. Động tác này còn giúp giảm bớt căng thẳng, giúp mẹ bầu tĩnh tâm, tăng thêm sự thư giãn để sẵn sàng đón chờ bé yêu ra đời.
Cách thực hiện:
- Mẹ ngồi trên gót chân một cách thoải mái;
- Từ từ mẹ cúi gập người về phía trước sao cho trán chạm thảm, hạ ngực gần đầu gối càng tốt và vươn dài hai tay ra phía trước;
- Giữ nguyên tư thế và thở đều. Thoát thế khi thấy không thoải mái.
Tư thế cánh bướm
Tư thế này có ích cho việc mở rộng xương chậu và đùi trong, thúc đẩy quá trình trao đổi oxy vào nhau thai, giúp bé nằm đúng vị trí thuận lợi, giúp mẹ quen dần với cảm giác sinh con. Đồng thời, tư thế này còn giúp cơ thể thư giãn và hỗ trợ quá trình mở rộng trong cơn co thắt lúc sinh con.
Cách thực hiện:
- Mẹ ngồi vững vàng trên thảm, duỗi thẳng hai chân về phía trước, hai tay chống xuống sàn ngay cạnh hông để giữ cân bằng cho cơ thể;
- Từ từ co hai đầu gối lại sao cho hai lòng bàn chân áp vào nhau, kết hợp dùng tay kéo hai gót chân về phía hông càng gần càng tốt;
- Tay nắm bàn chân và nhẹ nhàng di chuyển khớp gối lên xuống trong khoảng 20 nhịp;
- Thực hiên động tác này 3-5 lần kết hợp với việc hít thở sâu và đều.
Tư thế em bé hạnh phúc
Giống như tên gọi, tư thế này giúp cho mẹ bầu ở cuối thai kỳ sẽ cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc hơn khi tập một động tác vui nhộn như thế này. Tư thế giúp mẹ bầu loại bỏ bớt cảm giác buồn nôn hoặc chóng mặt do thay đổi hormone thai kỳ. Bên cạnh đó, tư thế này còn giúp co giãn cơ bắp ở vùng xương chậu và giảm các cơn chuột rút ở khu vực tử cung.
Cách thực hiện:
- Mẹ bầu nằm ngửa trên thảm. Co hai đầu gối về phía bụng sao cho gối hướng xuống thảm và lòng bàn chân hướng lên trần;
- Từ từ nâng tay lên nắm lấy hai bàn chân của mình, hai chân được tách rộng;
- Mẹ hạ đầu thoải mái trên thảm, từ từ hít thở và lắc lư hông sang hai bên trong vòng 30-60 giây.
Tư thế cái cây
Đây là tư thế giúp giảm phù nề cho mẹ bầu rất tốt, tăng khả năng thăng bằng và tập trung giúp mẹ bầu vượt cạn nhanh chóng và thành công.
Cách thực hiện:
- Mẹ đứng thẳng trên thảm, hai chân tách rộng bằng hông, hai tay mẹ chắp trước ngực;
- Từ từ co gối chân phải lên sao cho lòng bàn chân phải áp vào má đùi trong của chân trái;
- Vươn hai tay lên cao và giữ tư thế này cho đến khi mẹ cảm thấy mỏi hoặc mất thăng bằng thì đổi bên.
Những lưu ý cho mẹ bầu trong thời kỳ sắp sinh
Ở tháng thứ 9 của thai kỳ, bụng mẹ đã rất to, lưng ưỡn ra, gánh nặng đè lên đôi chân và cột sống lưng. Hai bầu ngực căng phồng và sẵn sàng tiết ra sữa. Mẹ có thể xoa nhẹ bầu ngực để đỡ căng tức bằng một số loại kem massage an toàn. Lưu ý, mẹ không nên kích thích đầu ti vì có thể gây co bóp tử cung và doạ sinh non.
Các cơn co thắt tử cung diễn ra thường xuyên hơn nhưng chưa có cảm giác đau, đó là do cổ dạ con chuẩn bị giãn nở, mở đường cho em bé lọt ra ngoài. Lúc này, mẹ sẽ cảm thấy buồn tiểu thường xuyên hơn;
Giấc ngủ thật khó khăn vì mẹ cảm thấy nằm ở tư thế nào cũng không thoải mái. Cử động, đi lại đều rất khó khăn, luôn có cảm giác hụt hơi khi nói chuyện hoặc làm việc. Tất cả các rắc rối trên đều bình thường để chuẩn bị cho sự ra đời của em bé, nên mẹ không cần phải quá lo lắng đâu nhé!
Để kỳ thai sản cuối tiến triển tốt đẹp và chuẩn bị sẵn sàng cho sự chào đời của thiên thần bé nhỏ, các mẹ được khuyến khích nên tập các bài tập Yoga bầu một cách đều đặn và đúng kĩ thuật. Mẹ có thể theo học tại các lớp Yoga bầu ở một số trung tâm uy tín hoặc tìm một Huấn luyện viên Yoga bầu về nhà để hướng dẫn mẹ luyện tập nhằm đảm bảo sự an toàn cho cả mẹ và em bé. Chúc mẹ một thai kỳ khoẻ mạnh và hành trình vượt cạn suôn sẻ, thành công.